Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định thỏa thuận ngừng bắn sẽ tạo điều kiện cho “sự bình yên lâu dài,” giúp chấm dứt giao tranh tại Liban và đảm bảo an toàn cho Israel.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Masnaa, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 27/11, các nhà lãnh đạo thế giới đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban.

Trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực kể từ 4h sáng 27/11 (tức 9h cùng ngày theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho “sự bình yên lâu dài,” giúp chấm dứt giao tranh tại Liban và đảm bảo an toàn cho Israel.

Mỹ, Pháp cam kết làm việc để đảm bảo việc thực thi đẩy đủ thỏa thuận và dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng năng lực cho quân đội Liban.

Tổng thống Biden đánh giá thỏa thuận này là "tin tức tốt lành," đồng thời cho biết Mỹ sẽ dẫn đầu một nỗ lực mới để thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.

Người đồng cấp Pháp Macron đánh giá thỏa thuận ngừng bắn tại Liban sẽ "mở đường" cho việc chấm dứt xung đột tại Gaza.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ vì giúp thúc đẩy việc các bên liên quan đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu cho biết thời gian ngừng bắn phụ thuộc vào "những gì xảy ra tại Liban."

Cũng trong ngày 27/11, Thủ tướng Liban Najib Mikati nhấn mạnh lệnh ngừng bắn là "bước cơ bản" hướng tới việc khôi phục sự ổn định trong khu vực.

Cảm ơn vai trò trung gian của Pháp và Mỹ, Thủ tướng Mikati cũng nhắc lại cam kết từ chính phủ nước này đó là tăng cường sự hiện diện của quân đội ở miền Nam Liban.

Iran cũng đã hoan nghênh việc Israel chấm dứt các hành động quân sự ở Liban sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tương tự, Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận này sau hơn một năm giao tranh khiến hàng nghìn người thiệt mạng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nhấn mạnh rằng nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình hiện tại ở Liban và Israel; ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc xoa dịu căng thẳng và đạt được hòa bình; đồng thời hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mà các bên liên quan đạt được.

Tại Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock đánh giá đây là “thành công của ngoại giao” và là "tia hy vọng cho toàn bộ khu vực," góp phần đảm bảo bình an lâu dài cho người dân ở cả hai bên biên giới.

Người dân sơ tán khỏi Liban để tránh xung đột, tại cửa khẩu Jdeidat Yabous ở biên giới Syria - Liban, ngày 24/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ Anh, Thủ tướng Keir Starmer nhận định lệnh ngừng bắn này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ dân thường ở cả Israel và Liban.

Kêu gọi lệnh ngừng bắn "biến thành giải pháp chính trị lâu dài tại Liban," nhà lãnh đạo Anh tuyên bố sẽ "đi đầu trong các nỗ lực phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang diễn ra để theo đuổi hòa bình lâu dài, bền vững ở Trung Đông."

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi thông tin tích cực về lệnh ngừng bắn, cho biết thỏa thuận này sẽ tăng cường "an ninh và ổn định nội bộ" của Liban.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Liban, bà Jeanine Hennis-Plasschaert cũng hoan nghênh thỏa thuận, nhưng cảnh báo rằng "vẫn còn nhiều việc phải làm" để hiện thực hóa các điều khoản trong đó. Bà nhấn mạnh rằng cần có sự cam kết toàn diện và kiên định của cả hai bên.

Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus cũng đồng loạt hoan nghênh việc Israel và Hezbollah đạt được thỏa thuận ngừng bắn, góp phần giảm leo thang căng thẳng.

Lực lượng Houthi tại Yemen và phong trào Hamas tại Gaza cũng có những động thái tương tự. Đáng chú ý, quan chức Hamas Sami Abu Zuhri nhấn mạnh phong trào này "đánh giá cao" quyền của Liban trong việc đạt được một thỏa thuận bảo vệ người dân Liban, đồng thời hy vọng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah tại Liban sẽ mở đường cho việc đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột leo thang nghiêm trọng hiện nay tại Gaza.

Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 4h sáng 27/11 được kỳ vọng giúp chấm dứt cuộc giao tranh đã buộc hàng chục nghìn người ở Israel và hàng trăm nghìn người khác ở Liban phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt kể từ tháng Chín năm nay.

Trong cuộc giao tranh quanh biên giới này, quân đội Israel đã tiến hành nhiều cuộc oanh kích và chiến dịch quân sự trên bộ tại nhiều vùng đất của Liban với lý do nhằm vào các mục tiêu liên quan phong trào Hezbollah./.