Quốc hội Phần Lan ấn định ngày bỏ phiếu về luật gia nhập NATO

Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng đạo luật cần thiết cho quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO sẽ được thông qua tại cuộc bỏ phiến ngày 28/2 tới do hầu hết các nghị sỹ Quốc hội đều ủng hộ.

Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Phần Lan ở thủ đô Helsinki. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/2, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho cho biết cơ quan này sẽ bỏ phiếu vào ngày 28/2 để thông qua đạo luật cần thiết cho phép quốc gia Bắc Âu này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Halla-aho nhấn mạnh mục tiêu của Phần Lan là hoàn tất tiến trình lập pháp cần thiết để gia nhập NATO trong nhiệm kỳ quốc hội hiện nay.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ gần 2 tuần trước khi Quốc hội tạm nghỉ để tiến hành cuộc bỏ phiếu trên.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Erkki Tuomioja khẳng định nước này chỉ quan tâm tới việc được phê chuẩn để trở thành thành viên NATO.

[Tổng thống Phần Lan lạc quan có thể gia nhập NATO vào tháng 7]

Giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng đạo luật cần thiết cho quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO sẽ được thông qua tại cuộc bỏ phiến ngày 28/2 tới, do hầu hết các nghị sỹ Quốc hội đều ủng hộ việc gia nhập tổ chức này, qua đó đưa Phần Lan tiến gần hơn tới mục tiêu này so với nước láng giềng Thụy Điển. Tuy nhiên, để trở thành thành viên NATO, Phần Lan sẽ phải nhận được sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Vào ngày 14/2 vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng việc tạo điều kiện để Thụy Điển và Phần Lan sớm gia nhập liên minh quân sự này là điều quan trọng, song không nhất thiết cả hai nước phải được chấp thuận cùng lúc.

Hiện chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 trong số 30 thành viên của liên minh quân sự này chưa thông qua đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Quốc hội Hungary dự kiến bỏ phiếu thông qua đơn gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan trong tháng 2 này. Trong khi đó, do những căng thẳng mới phát sinh trong quan hệ, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây để ngỏ khả năng chấp thuận cho Phần Lan, nhưng không bao gồm Thụy Điển, gia nhập NATO./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)