Quốc hội giám sát thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại Đồng Nai
Đoàn đã khảo sát thực tế tại Dự án Khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, đây là dự án đang gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong các cấp độ quy hoạch.
Ngày 9/7, Đoàn công tác số 3, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết 2023" đã khảo sát thực tế, làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Buổi sáng, Đoàn khảo sát thực tế tại Dự án Khu đô thị Aqua City (xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova làm chủ đầu tư.
Đây là dự án đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong các cấp độ quy hoạch.
Thời gian qua, cơ quan Trung ương và địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tháng 5/2024, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đây là tiền đề để hoàn thiện hồ sơ, sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, cũng như tiếp tục triển khai các dự án, trong đó có dự án Aqua City.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, từ năm 2015-2023, Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư gần 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, riêng từ năm 2018-2020, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 110 dự án, từ năm 2021-2023 chấp thuận 5 dự án.
Dù có nhiều dự án được đầu tư nhưng đến nay tại Đồng Nai mới có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Về nhà ở xã hội, từ năm 2015-2020, tỉnh đưa vào sử dụng gần 3.500 căn nhà. Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà. Địa phương đã chuẩn bị hơn 1.000ha đất phát triển nhà ở xã hội.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng sự phát triển của thị trường bất động sản ở địa phương vẫn chưa thực sự bền vững. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm có giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp.
Tại một số dự án, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất còn chậm, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế. Hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản có một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.
Những năm gần đây, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật chưa thống nhất. Chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cho doanh nghiệp không ổn định; điều kiện thuế, nơi cư trú làm khó đối tượng hưởng thụ chính sách mua nhà.
Một số dự án luật liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội mới được thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành.
Tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn công tác đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quản lý thị trường bất động sản; đồng thời đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai phạm tại một số dự án.
Có đại biểu cho rằng số lượng nhà ở mà Đồng Nai xây dựng trong gần 10 năm qua còn ít, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng Đoàn công tác số 3 đánh giá, Đồng Nai đã kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản và nhà ở xã hội phát triển.
Đây là chương trình giám sát tối cao của Quốc hội để lắng nghe khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, quy định liên quan. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ báo cáo, đề xuất Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp; ban hành nghị quyết thực thi chính sách về thị trường bất động sản.../.