Quảng Trị: Nông dân phấn khởi vì càphê đầu vụ được mùa, được giá
Hiện các vườn càphê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đang chín đỏ rực, năng suất năm nay rất cao, bình quân 13-15 tấn/ha; giá bán hạt càphê tươi dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái.
Năm nay người dân trồng càphê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, rất phấn khởi, bởi vừa được mùa lại được giá.
Giá càphê tươi ở Quảng Trị tăng cao, hiện ở mức từ 15.000-17.000 đồng/kg. Giá càphê tăng cao nhất từ trước đến nay, do đó người trồng loại cây lấy hạt này rất phấn khởi.
Người trồng càphê phấn khởi
Mới vào đầu vụ thu hoạch càphê, người trồng càphê ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đang rất phấn khởi khi giá hạt càphê tươi đã tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi càphê lại được mùa do thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt.
Hiện nay, các vườn càphê ở huyện Hướng Hóa đang chín đỏ rực, năng suất năm nay rất cao, bình quân 13-15 tấn/ha. Giá bán hạt càphê tươi hiện nay cũng dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái chỉ từ 10.000-11.000 đồng/kg càphê tươi. Người trồng càphê có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, cho biết hợp tác xã có 7 thành viên liên kết sản xuất từ 32-35ha càphê sạch tại xã Hướng Phùng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, người dân chăm sóc chu đáo nên càphê cho quả to đẹp, năng suất cao. So với các năm trước, giá càphê đầu vụ năm 2024 này cao nhất từ trước đến nay. Càphê được mùa, được giá, gia đình ông và người trồng càphê ở Hướng Hóa rất vui mừng.
Ông Võ Danh Kiệt, trú thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, cho biết gia đình trồng 1ha cây càphê. Năm nay thời tiết thuận lợi, gia đình chăm sóc chu đáo nên càphê cho quả to đẹp, thu hoạch được khoảng hơn 15 tấn hạt.
Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nhân công, gia đình anh Kiệt thu về lãi hơn 100 triệu đồng. “Đầu vụ càphê có giá cao vậy thì rất vui mừng, chỉ mong giá được ổn định như này là người trồng càphê có lãi,” ông Kiệt phấn khởi.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa, cho biết năm 2024, diện tích trồng càphê của huyện Hướng Hóa khoảng trên 3.700ha, trong đó có khoảng 3.400ha càphê đang cho thu hoạch, sản lượng ban đầu ước đạt hơn 4.000 tấn càphê nhân, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá càphê cao lên, người dân bắt đầu trồng lại cây càphê và chú trọng đến việc chăm sóc, thu hái làm sao cho hạt càphê đạt chất lượng cao nhất. Mỗi năm, trên địa bàn huyện Hướng Hóa trồng mới, tái canh hơn 150ha càphê, tập trung các địa phương trồng cây càphê chủ lực gồm xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh.
Hình thành vùng chuyên canh càphê đặc sản
Càphê là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị, cùng với cao su và hồ tiêu. Thương hiệu “Càphê Arabica Khe Sanh” vốn đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Không chỉ có giá trị xuất khẩu, cây càphê còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho người dân, nhất là cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa, cho biết ngay từ đầu vụ, nhiều giải pháp được ngành nông nghiệp Hướng Hóa triển khai để hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn của huyện Hướng Hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chế biến hạt càphê. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã để ký các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá cả ổn định cho người trồng càphê.
Sản phẩm càphê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản của tỉnh và Quảng Trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn là 1 trong 8 tỉnh để phát triển càphê đặc sản theo Đề án Phát triển càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Sản phẩm càphê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” đã tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh trong đó có ngành hàng càphê.
Để thúc đẩy ngành hàng càphê Quảng Trị phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết. Ngành nông nghiệp tỉnh này đã và đang nhân rộng mô hình sản xuất càphê hữu cơ, càphê đặc sản, càphê chất lượng cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết để tiêu thụ sản phẩm càphê nhằm duy trì ổn định diện tích 5.000ha.
Đồng thời đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2026 có ít nhất 1.000ha càphê được tái canh, trong đó có 50ha càphê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60ha càphê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng và đến năm 2030 hoàn thành việc tái canh diện tích càphê già cỗi (cây trồng trước năm 2000) trên địa bàn bằng bộ giống càphê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật./.