Quảng Trị: Một trong những điểm sáng của dự án y tế tuyến cơ sở
Quảng Trị có 25 công trình xây dựng trạm y tế trên địa bàn 7 huyện đã được hoàn thành, còn 7 công trình trạm y tế còn lại đang gấp rút thi công để hoàn thành trong quý 3/2024.
Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có hiệu lực từ năm 2020. Trong quá trình triển khai dự án trùng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát 2 năm, do đó tiến độ hoàn thành dự án chỉ trong 2,5 năm là nỗ lực rất to lớn. Tỉnh Quảng Trị là một trong những điểm sáng của Dự án khi đang về đích kịp thời, đúng tiến độ.
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương đã đánh giá như vậy tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ Y tế việc về Chương trình giám sát, hỗ trợ Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, dự án thành phần tỉnh Quảng Trị, diễn ra ngày 5/7.
Đáp ứng nhu cầu y tế của địa phương
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng cho hay Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai thực hiện từ năm 2020. Đây được xem là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế nói chung, đặc biệt là đối với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh (khó khăn về kinh tế xã hội) tham gia dự án.
Xét về quy mô nguồn vốn, Dự án được xem là một trong số những dự án có tổng mức đầu tư lớn của ngành y tế, với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD. Điều này phản ánh chiến lược của ngành y tế trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mạng lưới cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu tại những địa bàn khó khăn.
Quảng Trị được xem là một trong những tỉnh mà điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Quảng Trị đang xếp thứ 18 trong danh sách các tỉnh, thành có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước.
Ông Trương Hữu Hiếu - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, dự án thành phần tỉnh Quảng Trị cho hay Quảng Trị được nhận Dự án với tổng mức đầu tư 6.65 triệu USD tương đương 151,042 tỷ đồng. Đến hiện tại, 25 công trình xây dựng trạm y tế trên địa bàn 7 huyện đã hoàn thành, còn 7 công trình trạm y tế còn lại đang gấp rút thi công để hoàn thành trong quý III/2024. Đặc biệt, về việc mua sắm, cung cấp trang thiết bị cũng đã được triển khai và đang được Ban Quản lý dự án tỉnh gấp rút bàn giao các trang thiết bị tới tay người sử dụng. Tỷ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại đạt 88% tổng mức đầu tư của Dự án tại tỉnh.
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc và thách thức của địa phương trong quá trình triển khai Dự án, ông Hiếu nhấn mạnh một số yếu tố như tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp đầu năm 2022 đã ảnh hưởng đến tổ chức thi công xây dựng trên công trường, tổ chức huy động nhận sự, người lao động; kế hoạch cung ứng vật tư, vật liệu bị gián đoạn và chậm trễ…
Bên cạnh đó, tình hình biến động giá các loại vật tư, vật liệu, đặc biệt một số loại vật liệu tăng đột biến như: thép xây dựng, thép hình, tôn lợp mái, cửa nhôm kính… và tình trạng khan hiếm một số vật liệu xây dựng như đất san nền, cát, đá, gạch xây dựng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công xây dựng.
Ông Trần Văn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho hay Tiến độ triển khai Dự án cơ bản đảm bảo kế hoạch. Các địa phương có trạm y tế được tài trợ bởi Dự án đã được đưa vào sử dụng đánh giá cao cơ sở vật chất được bàn giao. Đến nay, sự hỗ trợ của Dự án vẫn phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển ngành y tế địa phương. Các mảng đầu tư dự án tại tỉnh đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của địa phương, góp phần tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tuyến y tế cơ sở.
Tháo gỡ thêm những khó khăn về tài chính
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cũng bày tỏ những băn khoăn khi hiện tại, tỉnh vẫn chưa thể triển khai được các lớp tập huấn theo kế hoạch vì thanh toán hỗ trợ chi phí đi lại cho học viên trạm y tế tuyến xã (từ trung tâm y tế xã/huyện đến thành phố Đông Hà - nơi tập huấn) thủ tục phải có vé phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong khi đó hiện nay quãng đường đi từ trung tâm y tế xã/huyện lên thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chỉ có một số huyện như Hướng Hóa, Đakrông mới có vé xe, các huyện còn lại hầu như không có.
Vì vậy, Sở Y tế Quảng Trị đề nghị Ban quản lý dự án Trung ương xem xét và có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn về thủ tục thanh toán hỗ trợ chi phí đi lại cho học viên từ trạm y tế tuyến xã đến nơi tập huấn.
Ông Phùng Nguyên Cương - Phó giám đốc Dự án cho hay Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất về tài chính mà lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị đưa ra. Bởi từ trước đến năm 2023 những chế độ thanh toán mức chi về tài chính cho cán bộ y tế tuyến cơ sở được thuận lợi, tuy nhiên từ năm 2024 do áp dụng những quy chế mới do sự thay đổi về cơ chế tài chính đã áp dụng định mức khác, nội dung chi hạn chế và thấp hơn gây khó khăn cho cán bộ y tế được cử đi học. Vì vậy, Ban Quản lý Dự án Trung đã họp để đề xuất phương án giải quyết đưa lên lãnh đạo Bộ Y tế và sau đó Bộ Y tế sẽ trình lên Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng theo định mức của trước kia cho phù hợp.
Tại buổi làm việc, Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng phân tích, trong quá trình triển khai, tỉnh Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh có tiến độ thực hiện nhanh, thuộc nhóm đầu của Dự án khi hoàn thành, bàn giao được những công trình xây dựng trạm y tế đầu tiên trong tại huyện Vĩnh Linh năm 2021, năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Điều này góp phần củng cố sớm về cơ sở vật chất, hỗ trợ nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ những ngày đầu của Dự án.
Đáng ghi nhận khi tại tỉnh Quảng Trị hoạt động áp dụng thử nghiệm bảng điểm chất lượng tại 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Triệu Phong đã cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã cho 10 lĩnh vực bao gồm: Quản lý y tế, quản lý thuốc trang thiết bị và vật tư y tế, truyền thông-giáo dục sức khỏe, cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, chẩn đoán-điều trị và quản lý tăng huyết áp, chẩn đoán-điều trị và quản lý đái tháo đường, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, quản lý bệnh lao-phòng dịch và tiêm chủng, quản lý thai nghén và dinh dưỡng trẻ em. Theo thống kê, chất lượng dịch vụ tuyến xã tại 30 trạm y tế thuộc 03 huyện trên đã cải thiện trung bình số điểm đạt yêu cầu (từ 75% trở lên) tăng gấp gần 2 lần từ năm 2021 đến cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế tại tỉnh cũng đã được triển khai rộng khắp. Số lượt cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo đạt 1.900 lượt người.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương cho hay những kết quả đạt được trong thời gian qua là cơ sở cho phép Dự án hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành toàn bộ các hoạt động Dự án vào cuối năm 2024. Do vậy, tỉnh Quảng Trị cần đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn vay nhanh hơn nữa, đẩy nhanh tốc độ đào tạo cán bộ y tế cơ sở và các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tiếp tục mở rộng mô hình bảng kiểm chất lượng đối với trạm y tế xã và mô hình quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, cũng như chủ động chuẩn bị sớm các hoạt động chuẩn bị cho việc đóng Dự án…/.