Quảng Trị: Làm rõ lưu lượng vận tải tuyến Cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo
Dự án có điểm đầu ở nút giao với cao tốc đường bộ Cam Lộ-La Sơn tại vị trí cầu vượt đường Tỉnh 579, huyện Triệu Phong; điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa với chiều dài 56km.
Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa yêu cầu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) và đơn vị tư vấn Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) làm rõ một số vấn đề đối với Dự án Đường bộ Cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo (dự án), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư lập đề xuất dự án, đơn vị tư vấn làm rõ kịch bản vận tải, lưu lượng vận tải để tính toán phương án tài chính; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khảo sát, tính toán dự báo nguồn hàng hóa từ nước bạn Lào về Cảng biển Mỹ Thủy sau khi cảng biển này được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác.
Dự án Cảng biển Mỹ Thủy đang được tỉnh đôn đốc nhà đầu tư triển khai, dự kiến thi công trong năm 2023 để đưa hai bến cảng vào hoạt động trong năm 2025.
Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu nhà đầu tư lập đề xuất dự án, chỉ đạo tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án đảm bảo các quy định hiện hành như tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, kịch bản tăng trưởng hàng hóa ở mức cao, phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang hạn chế 17m, đầu tư cầu cạn để đảm bảo phương án tài chính theo quy định của pháp luật và tính khả thi dự án.
[Bộ GTVT đề xuất gần 1.400 tỷ đồng đầu tư tuyến đường Quốc lộ 15D]
Trước đó ngày 9/10 vừa qua, Tập đoàn Sơn Hải đã báo cáo Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường bộ Cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, đầu tư theo phương thức PPP; thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024-2027, tổng vốn đầu tư trên 14.500 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu ở nút giao với cao tốc đường bộ Cam Lộ-La Sơn tại vị trí cầu vượt đường Tỉnh 579, huyện Triệu Phong; điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa với chiều dài khoảng 56km.
Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối vùng biển của Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar; phá thế độc đạo của Quốc lộ 9 tức Hành lang kinh tế Đông-Tây, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam giai đoạn từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.
Tháng 4/2022, Chính phủ đồng ý đầu tư dự án này theo phương thức PPP và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền triển khai.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, phát triển giao thông; trong đó, tiếp tục đầu tư phát triển các Hành lang kinh tế Đông-Tây như Lao Bảo-Đông Hà-Đà Nẵng, Mỹ Thủy-La Lay, đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo ở Quảng Trị. Việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo được tỉnh Quảng Trị xem là rất cấp thiết và là dự án trọng điểm./.