Quảng Trị: Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ vẫn vướng giải phóng mặt bằng
Việc giải phóng mặt bằng Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị vẫn bị chậm do gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là việc áp giá bồi thường, hỗ trợ và di dời tái định cư của các hộ dân và tổ chức.
Việc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ (dự án) đi qua tỉnh Quảng Trị vẫn vướng khoảng 200m đoạn qua Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị, mặc dù địa phương đã quan tâm để triển khai di dời.
Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, khởi công ngày 1/1/2023 có chiều dài 65,5km; trong đó đoạn đi qua Quảng Trị dài 32,5km thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ.
Ngay từ khi triển khai dự án, tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, đồng thời xem việc này là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng vẫn bị chậm do gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là việc áp giá bồi thường, hỗ trợ và di dời tái định cư các hộ dân và tổ chức.
Trên tuyến chính của dự án hiện còn khoảng 200m đi qua Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.
Công ty này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 với tổng vốn đầu tư 51 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2014; thời hạn hoạt động là 50 năm, nộp tiền thuê đất hằng năm cho nhà nước.
Công ty kinh doanh các lĩnh vực chế biến lâm sản, khai thác rừng trồng, trồng rừng và chăm sóc rừng, sản xuất dăm gỗ xuất khẩu, viên nén năng lượng xuất khẩu.
Hiện công ty tạo việc làm ổn định cho 30 công nhân và hàng trăm hộ trồng rừng để cung cấp gỗ nguyên liệu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã sớm quan tâm chỉ đạo việc di dời công ty. Cụ thể, Thông báo số 73/TB-UBND ngày 6/4/2023 về ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tại cuộc họp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm nêu rõ, yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Linh sớm hoàn thành việc áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản của Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị; rà soát quỹ đất phù hợp để tạo điều kiện di dời nhà máy của công ty, đảm bảo không gián đoạn việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời cam kết về nội dung hỗ trợ, bố trí quỹ đất phù hợp để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
Thế nhưng đến ngày 26/9/2024 việc di dời công ty vẫn chưa thể thực hiện. Ông Nguyễn Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị cho biết Công ty chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ để di dời bàn giao mặt bằng từ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Linh, do những kiến nghị trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa được giải quyết thỏa đáng về quyền lợi và lợi ích hợp pháp.
Đó là cơ quan chức năng chưa giao đất và mặt bằng tái định cư đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, giấy tờ thủ tục pháp lý đầy đủ cho công ty; chưa hỗ trợ cán bộ, công nhân viên và người lao động; chưa hỗ trợ ảnh hưởng sản xuất kinh doanh; chưa đền bù thiết bị máy móc.
Theo ông Nguyễn Minh Thành, hiện nay doanh nghiệp di dời theo phương án tạm cư, điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất từ vài tháng đến một năm, không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến 30 công nhân và hàng trăm hộ trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhà máy.
Do đó ông mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, áp dụng chính sách hỗ trợ đảm bảo lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp sớm di dời và bàn giao mặt bằng thi công dự án đường cao tốc.
Ông Võ Văn Trà, Giám đốc Ban quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và Cụm Công nghiệp, Du lịch biển huyện Vĩnh Linh cho biết Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Vĩnh Linh (Hội đồng) đã tạo điều kiện trong công tác bồi thường về đất đai, cơ sở hạ tầng, nhà cửa… của công ty.
Phương án của huyện là di dời tạm công ty. Cụ thể là di dời tạm máy móc thiết bị của công ty hiện đang nằm trên phần đất phải giải tỏa để làm đường cao tốc, chuyển qua phần đất bên cạnh.
Hội đồng đang thuê tư vấn đánh giá máy móc thiết bị, hợp đồng công nhân, tổn thất doanh nghiệp do gián đoạn sản xuất.
Trong quá trình di dời tạm nếu máy móc của công ty bị hư hỏng không sử dụng được thì đề xuất đền bù, trong thời gian từ tạm dừng sản xuất cho đến khi sản xuất trở lại.
Đối với bố trí mặt bằng để công ty di dời nhà máy đến thuộc thẩm quyền của tỉnh. Tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị thực hiện Dự án di dời và mở rộng nhà máy chế biến dăm gỗ nguyên liệu giấy tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh; quy mô dự án là 6ha.
Đến nay, do chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý nên công ty chưa thể triển khai xây dựng hạ tầng để di dời nhà máy đến địa điểm này.
Ngoài ra, phía công ty cho rằng theo luật và các quy định hiện hành thì doanh nghiệp được áp dụng chính sách về tái định cư khi di dời. Còn theo Giám đốc Ban quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và Cụm Công nghiệp, Du lịch biển huyện Vĩnh Linh Võ Văn Trà, trong khung chính sách đã được phê duyệt không có tái định cư cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết trường hợp của công ty thuộc đối tượng được áp dụng chính sách tái định cư khi di dời./.