Quan hệ Việt Nam-Thái Lan luôn được vun đắp, phát triển mạnh mẽ
Mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức như điện đàm, gặp bên lề các hội nghị đa phương.
Sáng 9/5, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Thái Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã có buổi làm việc với quyền Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sarun Charoensuwan.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại cuộc gặp, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao quan hệ Việt Nam-Thái Lan luôn được vun đắp, phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức điện đàm, gặp bên lề các hội nghị đa phương.
[Việt Nam, Thái Lan thúc đẩy tiềm năng hợp tác trong kinh tế số]
Đặc biệt, hai nước đã tổ chức kỳ họp lần 4 Ủy ban Hợp tác song phương do hai Bộ trưởng Ngoại giao đồng chủ trì (tháng 11/2021) và kỳ họp lần 4 Ủy ban Hợp tác thương mại do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đồng chủ trì (tháng 4/2022), đạt nhiều kết quả thực chất, tiếp thêm động lực cho các chương trình, dự án hợp tác hai nước được đưa vào triển khai.
Quyền Bí thư Thường trực Sarun Charoensuwan bày tỏ vui mừng đón lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam sang thăm sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh.
Ông Sarun Charoensuwan đề nghị hai nước cùng phối hợp thúc đẩy hơn nữa thương mại hai chiều, nỗ lực nhằm sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD vào năm 2025; đề nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm hỗ trợ các dự án đầu tư của Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị Thái Lan tiếp tục xem xét đẩy nhanh thủ tục cho phép tăng số lượng, nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Thái Lan.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, thương mại và đặc biệt là du lịch, đề nghị hai bên sớm công nhận Hộ chiếu vaccine của nhau, không chỉ giúp thuận lợi cho việc di chuyển giữa hai nước mà còn góp phần hình thành liên kết du lịch từ Thái Lan sang Việt Nam và ngược lại.
Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, trong đó có việc tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao số, ngoại giao công chúng.
Trong bối cảnh hai nước đã quản lý tốt dịch bệnh và mở cửa đất nước, hai Bộ Ngoại giao cần tích cực phối hợp, sớm thu xếp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên, họp nội các chung lần thứ 4, cũng như các cơ chế trao đổi giữa hai Bộ Ngoại giao và các bộ ngành trong năm 2022.
Hai bên đánh giá cao việc Việt Nam và Thái Lan có số lượng các cặp tỉnh-địa phương kết nghĩa khá lớn (hiện có 13 cặp tỉnh kết nghĩa và 5 cặp tỉnh đang trao đổi văn kiện hợp tác); nhất trí phối hợp thúc đẩy các cặp tỉnh kết nghĩa của hai nước đưa các thỏa thuận, chương trình hợp tác vào triển khai hiệu quả, thực chất.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa vai trò và hoạt động của Hội hữu nghị Thái-Việt và Hội hữu nghị Việt-Thái nhằm thúc đẩy ngoại giao nhân dân giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cảm ơn Hoàng gia, Chính phủ Thái Lan đã cấp giấy tờ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Thái gốc Việt làm ăn sinh sống thuận lợi, hòa nhập vào xã hội Thái Lan, đóng góp cho sự phát triển của Thái Lan cũng như là cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trước đó, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã có buổi gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại thủ đô Bangkok của Thái Lan và thăm một số cơ sở kinh doanh của kiều bào.
Thứ trưởng vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển vững mạnh của cộng đồng, bà con có đời sống ổn định về pháp lý và kinh tế, hội nhập sâu rộng với sở tại, được chính quyền Thái Lan đánh giá cao, đồng thời là nhân tố thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước.
Thứ trưởng tin tưởng rằng bà con sẽ tiếp tục chia sẻ, đóng góp sáng kiến, ý tưởng để việc xây dựng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn như việc giữ gìn, bảo tồn tiếng Việt và văn hóa dân tộc với thế hệ trẻ; đồng thời Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ nhu cầu về nước làm ăn, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp kiểu bào với doanh nghiệp trong nước.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tham dự các buổi lễ gắn tên tiếng Việt cho chùa Tam Bảo và chùa Ngọc Thanh, hai trong số những ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Việt tông tại Thái Lan.
Phật giáo Việt tông là một trong hai tông phái phật giáo nước ngoài duy nhất tại Thái Lan, các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, thờ cúng theo truyền thống người Việt của bà con Phật tử Việt kiều Thái Lan không những góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào tại Thái Lan mà còn là cầu nối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan, kết nối giữa kiều bào và nhân dân trong nước./.