Quan chức LHQ nêu quan điểm về quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho rằng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy khả năng to lớn cho việc tổ chức đối thoại mang tính toàn diện, bao trùm và công bằng tại Syria.

Người dân tại Damascus, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, ông Volker Turk ngày 9/12 nhận định có cơ hội to lớn để các lực lượng chính trị, kinh tế và tôn giáo của Syria tiến hành đối thoại hướng đến quá trình chuyển giao mang tính bao trùm và toàn diện ở quốc gia này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, ông Turk cho rằng có những dấu hiệu ban đầu chẳng hạn như sự phối hợp của các nhóm đối lập ở Syria cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho thấy khả năng to lớn cho việc tổ chức đối thoại mang tính toàn diện, bao trùm và công bằng.

Trong khi đó, giới chức Israel cùng ngày cho hay nước này sẽ đẩy mạnh các cuộc oanh kích nhằm vào các kho vũ khí hiện đại của Syria và duy trì sự hiện diện "hạn chế" của quân đội trên bộ, nhằm ngăn chặn mọi mối đe dọa có thể xuất hiện sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz cho biết quân đội nước này sẽ phá hủy các vũ khí chiến lược hạng nặng trên khắp Syria, bao gồm tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tên lửa phòng thủ bờ biển.

Theo một quan chức cấp cao khác của Israel, các cuộc không kích sẽ tiếp diễn trong những ngày tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Gideon Saar khẳng định Israel không can thiệp vào tình hình hiện nay của Syria và chỉ quan tâm đến việc bảo vệ công dân của mình.

Trả lời phóng viên ở Jerusalem, người đứng đầu ngành ngoại giao Israel nhấn mạnh đó là lý do tại sao nước này oanh kích các hệ thống vũ khí chiến lược như vũ khí hóa học hoặc tên lửa và tên lửa tầm xa còn lại ở Syria để chúng không rơi vào tay những phần tử cực đoan.

Từ Moskva, Điện Kremlin ngày 9/12 cho biết hiện còn quá sớm để nhận định về tương lai của các căn cứ của nước này ở Syria.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho hay vấn đề này sẽ được thảo luận giữa chính quyền Nga và lực lượng nắm giữ quyền lực ở Syria sau quá trình chuyển giao.

Trước tình hình hiện nay, nhiều nước khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Syria.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Jakarta đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hơn 1.000 công dân Indonesia đang cư trú tại quốc gia Trung Đông này.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông báo ngày 8/12 của bộ trên cho biết Indonesia bày tỏ "rất quan ngại" về tác động nhân đạo trước những diễn biến gần đây ở Syria, đồng thời cho rằng tình hình ở Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua một quá trình chuyển đổi toàn diện, dân chủ và hòa bình, ưu tiên lợi ích và sự an toàn của người dân Syria trong khi bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Indonesia kêu gọi tất cả các bên bảo vệ dân thường theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế./.