Phú Thọ huy động thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết trong năm 2 cuối nhiệm kỳ 2024-2025, tỉnh phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển đạt 90-100 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung vào các dự án đầu tư công trọng điểm.
Nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và tranh thủ mọi thời cơ, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thời gian gần đây, mỗi năm tỉnh Phú Thọ đã huy động thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, từ năm 2021-2023, tỉnh đã huy động được tổng vốn đầu tư phát triển đạt 118,7 nghìn tỷ đồng, đạt 74,2% so mục tiêu cả giai đoạn.
Khu vực ngoài nhà nước và vốn FDI tăng khá từ 78,3% giai đoạn 2016-2020 lên 80,8% giai đoạn 2021-2023.
Nguồn vốn huy động đã tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó, nổi bật là hạ tầng giao thông; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng du lịch, thương mại.
Chỉ trong 3 năm, hạ tầng giao thông đã thay đổi nhanh chóng. Có tới 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ; trong đó, có 7/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành; dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, như cầu Vĩnh Phú - nối tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ…
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện xây dựng và mở rộng 7 khu công nghiệp, 21/28 cụm công nghiệp, thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, có 9 nhóm dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thiện hạ tầng và thu hút đạt tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cao gồm các cụm công nghiệp Bãi Ba-Đông Thành, Nam Thanh Ba, Hoàng Xá, Hợp Hải-Kinh Kệ, thị trấn Yên Lập, Bạch Hạc, Tử Đà, Thanh Minh.
Một số nhóm dự án đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp như Vạn Xuân, Đồng Lạc, Bãi Ba 2, Thục Luyện, Bắc Lâm Thao…
Cùng với đó, hạ tầng du lịch, thương mại được đẩy mạnh đầu tư tạo chuyển biến mạnh cho các loại hình dịch vụ, du lịch phát triển.
Đến nay, đã có một số dự án hoàn thành, phục vụ du khách như Công viên Văn Lang, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Wyndham Thanh Thủy và một số dự án trọng điểm khác đang được đầu tư, hoàn thành trong thời gian tới.
Hạ tầng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; điện, thông tin truyền thông, khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường, y tế, quốc phòng-an ninh... cũng được đầu tư với nguồn vốn lớn, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đã giúp Phú Thọ dần trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư của cả nước.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã thu hút 478 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 56,9 nghìn tỷ đồng, 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký ước đạt 2.126 triệu USD; quy mô bình quân một dự án DDI trên 188 tỷ đồng, tăng 27,7 tỷ đồng, bình quân một dự án FDI gần 60 triệu USD, tăng 50,4 triệu USD so giai đoạn trước.
Nhiều nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ… với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, hạt nhựa, chế biến thực phẩm đã "rót vốn" vào Phú Thọ.
Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết đạt được kết quả trên, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh.
Đây là cơ sở quan trọng để huy động, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 5246/KH-UBND ngày 11/11/2021 cụ thể hóa Nghị quyết thành 8 nhóm giải pháp chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể.
Đồng thời, tỉnh cũng rà soát, ban hành một số cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ đến năm 2040…
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết trong năm 2 cuối nhiệm kỳ 2024-2025, tỉnh phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 90-100 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2024 sẽ huy động đạt trên 50 nghìn tỷ đồng.
Từ nguồn vốn huy động, trong năm 2024 tỉnh sẽ chỉ đạo hoàn thành 13/20 dự án đầu tư công trọng điểm, phấn đấu hoàn thành 20/20 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương trước 1 năm.
Trong số đó, tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công thêm 2 khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa; hoàn thành khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hạ tầng các cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao, Vạn Xuân, Thục Luyện; khởi công các cụm công nghiêp Đồng Phì, Tam Nông, Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Quảng Yên… để thu hút dự án đầu tư.
Cùng đó, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành toàn bộ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Trung ương, điển hình như: Phú Thọ-Ba Vì quy mô 4-6 làn xe; cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn; xây dựng cầu Đoan Hùng, Cầu Phong Châu mới; tuyến đường kết nối giữa cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ với cao tốc Nội Bài-Lào Cai tại nút giao IC9; dự án Hệ thống kênh mương hồ Ngòi Giành; Hồ chứa nước Thục Luyện; kè bảo vệ bờ tả sông Thao huyện Hạ Hòa…
Ngoài ra, tỉnh cũng sớm khởi công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao tại Việt trì, Thanh Thủy, Tam Nông, Hạ Hòa…
Hiện tỉnh dồn sức huy động cao nhất các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Cùng với việc cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Phú Thọ còn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, bảo đảm công khai, tăng cường minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm tối đa chi phí về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài việc chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tỉnh xác định chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là những tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng thời, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng theo chuẩn đầu ra; ưu tiên đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ tại các khu, cụm công nghiệp; phối hợp với nhà đầu tư để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trước mắt, tỉnh đang đôn đốc, triển khai quyết liệt gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý tồn tại, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm; nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá đầu tư, tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai; kiên quyết thu hồi dự án có vướng mắc kéo dài, tồn đọng nhiều năm, chậm đưa đất vào sử dụng.
Với việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển, Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc và có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại./.