"Phụ huynh mang quân hàm xanh" nâng bước trẻ em vùng biên đến lớp

Qua 7 năm triển khai chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng" các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã nhận nuôi 7 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ; đỡ đầu cho 73 em.

Em Huỳnh Văn Vương được Trung úy Nguyễn Đình Đức, Đội trưởng Đội Vận động Quần chúng Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, đưa đến lớp. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Cuộc sống ở vùng biên giới tỉnh Tây Ninh vốn khá khó khăn, vất vả khiến không ít học sinh phải bỏ học, theo cha mẹ lên nương, rẫy mưu sinh. Thậm chí, có những hoàn cảnh khốn khó khi mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thấu hiểu điều đó, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh kịp thời chắp thêm những đôi cánh, nâng những ước mơ các em bay lên cao.

Qua 7 năm triển khai, đến nay, những "phụ huynh mang quân hàm xanh" đã và đang từng ngày nâng những bước chân để các em đi tìm con chữ ở vùng biên Tây Ninh không còn thấy chênh vênh.

Theo Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, qua 7 năm triển khai chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng" các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã nhận nuôi 7 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ trên địa bàn xã biên giới và đỡ đầu 73 em có ý thức vươn lên trong học tập, trong số đó, 15 em ở ngoại biên thuộc Vương quốc Campuchia. Nhiều em đã tốt nghiệp lớp 12 và thi đỗ vào các trường đại học, cao Đẳng, trở về địa phương làm việc, góp phần làm thay đổi từng ngày vùng biên giới.

Trường Trung học Cơ sở Tân Hòa, nằm trên địa phận xã Tân Hòa (huyện Tân Châu), là một trong những xã biên giới xa xôi của tỉnh Tây Ninh. Những ngày này, em Huỳnh Văn Vương, lớp 8A1, "con nuôi" Đồn Biên phòng Tống Lê Chân vẫn miệt mài tìm con chữ trên mảnh đất vùng biên.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cậu học trò nghèo Huỳnh Văn Vương từ nhỏ đã nhận được sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền địa phương. Sau đó, Vương được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tống Lê Chân nhận làm "con nuôi" của Đồn và sống cùng các chiến sỹ. Suốt nhiều năm nay, những "cha nuôi" của Đồn mỗi ngày dạy dỗ, chăm sóc giúp Vương trưởng thành.

Thiếu tá Huỳnh Tấn Thuần, Đồn Biên phòng Kà Tum theo dõi việc học tập tại đồn của em Hố Chanh Đi, dân tộc Khmer, học sinh lớp 8, trường THCS Tân Đông, huyện Tân Châu. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Trung úy Nguyễn Đình Đức, Đội trưởng Đội Vận động Quần chúng Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, người được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy Vương hơn 5 năm qua cho biết cha mẹ ly hôn khi Vương đang học lớp 3. Hành trình tìm con chữ của cậu học trò nghèo trên mảnh đất vùng biên vốn đã khó nay càng trở nên khó hơn bội phần. Thấy được điều đó, Đồn Biên phòng Tống Lê Chân đề xuất Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phê duyệt, nhận Vương làm "con nuôi" của Đồn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hòa, cho biết là một xã vùng biên giới, trong những năm qua, địa phương đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Đồn Biên phòng triển khai các chương trình giúp đỡ, phát triển kinh tế cho người dân, giúp trẻ em được đến lớp. Những chương trình ý nghĩa đã góp phần thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn mới ở địa phương.

Ngôi nhà nhỏ của Tổ công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, những năm qua đã trở thành mái ấm đặc biệt cho cậu học trò nghèo Huỳnh Văn Vương. Từ đây, những người lính mang quân hàm xanh chính thức trở thành phụ huynh "2 trong 1." Họ vừa đảm nhận vai trò phụ huynh của con nuôi Đồn Biên phòng trước nhà trường; vừa là người thân - người thầy chăm sóc, dạy học tại nhà cho các em có hoàn cảnh vốn đặc biệt khó khăn.

Bước đi cùng cha nuôi - Trung úy Nguyễn Đình Đức trên con đường rải nhựa thẳng tắp từ trường về nhà, gương mặt Huỳnh Văn Vương hiện rõ niềm hạnh phúc. Vương xúc động tâm sự: "Con chỉ biết cảm ơn cha nuôi, các thầy cô, các bạn đã luôn đồng hành, giúp con có được chỗ dựa tinh thần và con chữ."

Đồn Biên phòng Kà Tum, huyện Tân Châu lại là một căn nhà đặc biệt khác đối với em Chanh Đa (học sinh lớp 6) và em Hố Chanh Đi (học sinh lớp 8), trường Trung học Cơ sở Tân Đông.

Đến giờ đi học, Thiếu tá Huỳnh Tấn Thuần tranh thủ sửa lại bộ đồng phục, khăn quàng cổ cho cả 2 "con nuôi" thật tươm tất rồi đưa đến trường học.

Theo Thiếu tá Thuần, hai em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu sống với ông bà. Đồn nhận nuôi hai em từ tháng 9/2019 đến nay. Lúc mới về ở với Bộ đội Biên phòng, hai em còn rất nhút nhát, chưa quen nề nếp sinh hoạt, việc hướng dẫn, chăm sóc các "con nuôi" gặp nhiều khó khăn.

Em Huỳnh Văn Vương được “cha nuôi” Trung úy Nguyễn Đình Đức dạy học tại Tổ công tác địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Tống Lê Chân. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Đồn Biên phòng Kà Tum có những cán bộ, chiến sỹ đã lập gia đình riêng nhưng gia đình ở xa và có người chưa lập gia đình, chưa làm cha. Thế nhưng, tất cả đều coi Hố Chanh Đi và Chanh Đa như con ruột, dành tất cả sự quan tâm và thương yêu cho các con.

Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, nhấn mạnh mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" giúp động viên quần chúng nhân dân trên địa bàn và nhân dân ngày càng tin yêu hơn bộ đội Biên phòng. Hy vọng chương trình tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Đây là việc làm rất thiết thực để nâng cao trình độ cho nhân dân khu vực biên giới và chính các em, các cháu sau này là nguồn nhân lực, cống hiến công sức cho quê hương, đất nước; để vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa đồng hành cùng bộ đội Biên phòng thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia./.