Phó Thủ tướng yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc của TKV
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, sớm giải quyết dứt điểm để tháo gỡ khó khăn cho TKV.
Chiều 27/4, chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) giai đoạn 2016-2020, Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mục tiêu đặt ra trong dự thảo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển bền vững, hài hòa với môi trường và người lao động; góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Dự thảo đề án xác định ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn là công nghiệp than; công nghiệp khoáng sản-luyện kim; công nghiệp điện; vật liệu nổ công nghiệp.
Các ngành nghề liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của TKV gồm: công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng; quản lý và khai thác cảng; vận tải, hoa tiêu, kho bãi…
Bên cạnh đó, dự thảo đề án nêu các nội dung liên quan đến kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại công ty mẹ - TKV và các đơn vị thành viên.
Tại cuộc họp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành liên quan đến một số đơn vị thành viên của tập đoàn như: Tổng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ; Viện Cơ khí năng lượng mỏ; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhôm Lâm Đồng; Công ty Nhôm Đắk Nông…
Theo Ủy ban Quản lý vốn tại nhà nước tại doanh nghiệp, việc ban hành Đề án cơ cấu lại là hết sức cần thiết để Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
Năm 2022, TKV đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2023 của tập đoàn vượt 120% so với cùng kỳ năm 2022, các sản phẩm chỉ tiêu cơ bản đều đạt kế hoạch đề ra...
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo về công tác tái cơ cấu mô hình tổ chức của tập đoàn, sắp xếp các công ty cổ phần sản xuất than; việc thoái vốn tại một số đơn vị;… kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn. TKV cam kết sẽ triển khai thực hiện đề án theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
[Doanh thu từ than của TKV trong hai tháng đầu năm tăng 48%]
Đồng thời, tập đoàn kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho Tập đoàn được bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ (Tập đoàn TKV đã cân đối nguồn lực).
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương liên quan góp ý với dự thảo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tiếp thu, hoàn thiện dự thảo sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đối với các kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, sớm giải quyết dứt điểm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025, Đề án cơ cấu lại và Danh mục doanh nghiệp chuyển giao về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo dự thảo chiến lược, mục tiêu, định hướng phát triển SCIC giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 theo hướng tiếp tục thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ; trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp…
Định hướng đến năm 2035, SCIC từng bước hoạt động theo mô hình Quỹ đầu tư để thực hiện vai trò đầu tư của Chính phủ.
Thời gian tới, SCIC sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp về mô hình, chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản trị doanh nghiệp./.