Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giao thông đi đến đâu mở ra ấm no đến đó

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ấn tượng với con số phát triển mạnh mẽ của ngành Giao thông Vận tải và đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt các công việc của năm qua.

Với khối lượng công việc được giao đặc biệt lớn, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm vượt qua thách thức, làm việc không kể ngày, đêm, không kể ngày lễ, Tết, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mọi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Ưu tiên giao thông kết nối liên vùng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông Vận tải vào chiều 30/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: “Với một vị trí ngành phát triển hạ tầng, đi trước mở đường, giao thông đi đến đâu mở ra ấm no đến đó. Giao thông bao gồm 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không tạo ra sự kết nối các lĩnh vực kinh tế, địa phương và quốc gia với nhau.”

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù trong năm 2024 có nhiều khó khăn nhưng đất nước đạt được các kết quả. Giai đoạn trước đó đến năm 2021, nước ta đầu tư 1.200km cao tốc. Tuy nhiên, từ năm 2021-2024, cả nước hoàn thành 808km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc lên 2.024km và hiện nay đến 2025 sẽ hoàn thành 3.000km cao tốc. Đây là con số ấn tượng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Giao thông Vận tải.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành Giao thông Vận tải đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về thể chế các bộ luật liên quan hết sức đột phá và tư duy đổi mới kế thừa và hoàn thiện thể chế của ngành trong thời gian tới, đảm bảo kết cấu hạ tầng then chốt, có đóng góp chung vào kinh tế-xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, các ban quản lý dự án, nhà thầu, cán bộ, công nhân người lao động đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt các công việc của năm qua.

Đánh giá Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt được các quy hoạch chuyên ngành, tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn có những bước chậm, trong đó giao thông thủy nội địa, hàng hải mặc dù đã dành sự quan tâm đầu tư, phát triển nhưng nguồn vốn chưa lớn nên cần có cơ chế đầu tư đáp ứng mục tiêu phát triển song hành cùng với đường bộ.

“Không có hạ tầng hàng hải, đội tàu to thì không thể đưa nước ta trở thành cường quốc về biển, mạnh về biển,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Ngoài việc đầu tư đường bộ, lĩnh vực hàng hải cũng cần có cơ chế đầu tư để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đưa ra nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tính toán, nhìn nhận ưu tiên hơn giao thông vùng miền như giao thông đường thủy ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải trong hệ sinh thái kết hợp với nhau như Sân bay Quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác thì phải phát huy được khi các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đồng bộ.

“Năm 2025 ngành Giao thông Vận tải xác định được các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ sớm đặt các dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công,” Phó Thủ tướng nói.

Sau hội nghị tổng kết này, Phó Thủ tướng tin tưởng Bộ Giao thông Vận tải có mô hình tổ chức mới, đây là ý tưởng phát triển đồng bộ giao thông kết cấu hạ tầng then chốt với lĩnh vực xây dựng đô thị và nông thôn.

“Sự thay đổi sáp nhập, tinh gọn bộ máy này theo chiều hướng mạnh lên và phát triển theo hướng ‘tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu quả’ là mục tiêu rất lớn khi Đảng và Nhà nước xác định các nhiệm vụ, giải pháp phải ưu tiên cho công cuộc bước vào kỷ nguyên mới của đất nước,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục triển khai dự án giao thông quan trọng quốc gia

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh, năm 2024, bộ đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số ki lô mét đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021km; rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000km vào năm 2025; tiến độ dự án Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm; đặc biệt Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đang tích cực triển khai Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.

Đến hết tháng 12/2024, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

“Trong bối cảnh thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2024,” Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay.

Sang năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải khởi công hàng loạt các dự án như Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Túy Loan, cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1,…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết năm 2025 ngành Giao thông Vận tải sẽ khởi công hàng loạt các dự án quan trọng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; triển khai quy hoạch chi tiết tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái; nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia: Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Long Thành-Thủ Thiêm; khởi công Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào cuối năm 2025.

Bộ sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trong năm 2025, trong đó có dự án đường cất hạ cánh thứ 2; khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 1/2025.

Năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được giao với số vốn vô cùng lớn 87.000 tỷ đồng. Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ./.