Phó Thống đốc: Định hướng các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho DN
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, hài hòa giữa tỷ giá-lãi suất.
"Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm."
Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 5/5, tại Hà Nội.
Theo Phó Thống đốc, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt.
[Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành về tín dụng, ngân hàng]
Ông nhấn mạnh, chính sách hạ lãi suất cho doanh nghiệp là một trong 8 chính sách Ngân hàng Nhà nước triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể là việc điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá; Tạo dư địa của lượng tín dụng năm nay, dự kiến là 14,5%, cho việc khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng; Luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng; Tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay.
Ngoài ra, là gói 120.000 tỷ đồng cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước; Tiếp đến là chính sách giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm; Chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp và cuối cùng là chính sách giảm lãi suất.
Phó Thống đốc cho rằng, từ đầu năm đến nay, trong 8 giải pháp đó, giải pháp giảm lãi suất được Ngân hàng Nhà nước tính đến là giảm lãi suất điều hành. Trong thời gian rất ngắn, đánh giá tính hình kinh tế trong nước và quốc tế nên quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
“Tôi chỉ nói mấy con số tổng quan, một là giảm lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế khoảng từ 1-1,2% lãi suất huy động, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%," ông nói, đồng thời cho biết riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%...
Cũng theo ông Đào Minh Tú, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới, những khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất của chúng ta khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Ông Tú thông tin thêm, trong thời gian tới, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Vì thế điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
“Các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm lãi suất là: 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói./.