Phiên toàn thể Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023

Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam được tổ chức hai năm một lần nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sáng 12/10, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Phiên toàn thể Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2023, trong khuôn khổ Hội nghị, các phiên thảo luận chuyên đề đã diễn ra với 57 chủ đề liên quan đến: công tác quản lý an toàn giao thông, hạ tầng và tổ chức giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông, an toàn giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông.

Hội nghị An toàn Giao thông Việt Nam là hội nghị được tổ chức hai năm một lần của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam. Năm 2023 là lần thứ 8 Ủy ban tổ chức Hội nghị.

['Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng']

Báo cáo tổng hợp kết quả phiên thảo luận, ông Nguyễn Trọng Thái, Trưởng Tiểu ban Quản lý về An toàn Giao thông, cho biết Hội nghị năm nay thu hút được gần 160 chuyên gia, nhà khoa học tham gia với 76 bài báo, công trình khoa học về an toàn giao thông trong tất cả 5 lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy nội địa, hàng hải và hàng không.

Hội đồng xét duyệt đã lựa chọn được 64 bài báo, công trình nghiên cứu để trình bày tại phiên thảo luận; 33 bài có hàm lượng khoa học cao, có khả năng ứng dụng vào thực tế sẽ được đăng trên Tạp chí Giao thông Vận tải số đặc biệt về An toàn Giao thông Việt Nam 2023.

Số lượng tham gia tuy không nhiều như những năm trước, nhưng nhiều bài báo, công trình được phát triển từ thực tiễn và các kết quả nghiên cứu khoa học.

Do đó, chất lượng các bài báo năm nay được Hội đồng Xét duyệt cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý đánh giá cao, nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến thảo luận của các đại biểu.

Nhiều bài báo đã đưa ra được các đề xuất, giải pháp có tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng vào giao thông như: Vấn đề sử dụng làn ở một số tuyến đường cao tốc khu vực phía Bắc và đề xuất nâng cao hiệu quả tổ chức, an toàn giao thông; Các hành vi nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên: tiếp cận từ lý thuyết hành vi; Phương pháp thực nghiệm kiểm tra gia tốc và chuyển vị động của ray trên tuyến đường sắt thống nhất.

Đại diện các tác giả trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Một số bài đề cao việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý giao thông vận tải như: Chuyển đổi số trong quản lý hoạt động vận tải thông qua kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Ứng dụng công nghệ hàng không vào kiểm soát giao thông vận tải; Trí tuệ nhân tạo cách mạng hóa công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Các biện pháp cấp cứu chấn thương trước viện, cứu chữa những chấn thương do tai nạn giao thông được các nhà khoa học, bác sỹ của các trường, bệnh viện, trung tâm cấp cứu thảo luận nhằm chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm ứng phó sau tai nạn giao thông, giúp giảm thiểu tối đa hậu quả do các vụ tai nạn giao thông gây ra.

Những nghiên cứu về an toàn giao thông trên thế giới được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đưa ra thảo luận tại Hội nghị với mong muốn có thể áp dụng nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam như kinh nghiệm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của người điều khiển xe môtô, xe gắn máy tại châu Âu - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

“Kết quả các phiên thảo luận đã thực sự hiệu quả và mang lại hiệu ứng tốt cho các cơ quan quản lý nhà nước,” ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định.

Ông đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét, nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của các tác giả trong các bài báo, công trình khoa học để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, hoàn thiện pháp luật và ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tại phiên toàn thể của Hội nghị, 7 bài có chất lượng tốt nhất đã được các tác giả trình bày, liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; các hành vi nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông trong học sinh, sinh viên; tình hình cấp cứu tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức sau 1 năm triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt)...

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết bên cạnh các giải pháp tổ chức thực hiện để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp về mặt chuyên môn, khoa học, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy.

Với những thông tin nhiều chiều từ Hội nghị sẽ mang đến bức tranh toàn diện và những giải pháp mang tính khoa học, từ đó điều chỉnh quy định pháp luật, ban hành, bổ sung những hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp cho giao thông an toàn hơn.

Các kết quả nghiên cứu và đề xuất của các tác giả sẽ được Ủy ban tổng hợp, gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cho ý kiến vào Luật Trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đang tổng hợp, chuẩn trình sửa một số luật, thì những bài báo, công trình khoa học được công bố là tài liệu rất quý báu, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)