Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác Việt Nam-Trung Quốc
Tại phiên họp, hai bên chúc mừng những thành tựu phát triển tích cực của mỗi nước; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại của hai nước.
Ngày 13/7, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Tại phiên họp, hai bên chúc mừng những thành tựu phát triển tích cực của mỗi nước; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tổng thể chính sách đối ngoại của hai nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chúc Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX dự kiến vào nửa cuối năm nay.
Hai bên nhất trí cho rằng kể từ Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (tháng 9/2021) đến nay, hai bên đã phối hợp duy trì tổng thể quan hệ ổn định, hợp tác tiếp tục đạt được nhiều tiến triển tích cực.
Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Hợp tác phòng chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và các lĩnh vực chuyên ngành giữa hai nước tiếp tục phát triển.
Việt Nam giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia; Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Một số khó khăn, vướng mắc được hai bên trao đổi tại Phiên họp lần thứ 13 đã được các cơ quan, doanh nghiệp hai bên tháo gỡ. Bên cạnh đó, hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề tồn tại trong hợp tác như mất cân bằng thương mại có chiều hướng gia tăng, tình trạng ùn tắc hàng hóa ở khu vực cửa khẩu biên giới có lúc vẫn tái diễn; tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam và một số dự án hợp tác kinh tế, viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam cần đẩy nhanh hơn; giao lưu, đi lại giữa nhân dân hai nước còn gặp trở ngại do dịch bệnh.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; phát huy vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong việc điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; duy trì hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất giữa hai nước tiếp tục phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
[Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đồng chủ trì cuộc họp Việt-Trung]
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, nhất là đối với hoa quả mùa vụ, nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; thiết lập “luồng xanh” rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan; tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại hoa quả của Việt Nam; tạo thuận lợi để Việt Nam mở Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đề nghị nâng cao hiệu quả tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu và một số nước; mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; thúc đẩy các hình thức hợp tác mới như thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, giao thông, nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao.
Nhất trí với các đề xuất hợp tác của Việt Nam, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc coi trọng quan tâm của Việt Nam về mở rộng xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc và bảo đảm thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới; sẵn sàng mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu theo nhu cầu của hai nước.
Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, hợp tác với Việt Nam duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đi sâu hợp tác về Hành lang liên vận đường bộ, đường biển mới và trao đổi về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng sạch, giảm phát thải, kết nối cơ sở hạ tầng; khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai nước và tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam quay trở lại Trung Quốc học tập.
Về biên giới lãnh thổ, hai bên nhất trí phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, giải quyết thỏa đáng các vụ việc phát sinh theo ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; thúc đẩy hiệu quả các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định mới về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ; sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác về tìm kiếm cứu nạn trên biển và Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hai bên cần nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Kết thúc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị tuyên bố hai bên ký kết các văn bản hợp tác gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc tài khóa 2020, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, Thỏa thuận hợp tác về Dự án Nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
Trước đó, chiều 12/7, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã tiếp ông Lưu Ninh, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Tại cuộc tiếp, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc giữa các cấp, phát huy hơn nữa các cơ chế, phương thức hợp tác hiện có; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông; phối hợp chặt chẽ phòng chống dịch bệnh và quản lý, bảo vệ biên giới, nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu đã thống nhất, giải quyết các vấn đề nảy sinh theo ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, góp phần xây dựng đường biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Quảng Tây với các địa phương Việt Nam thời gian qua; cảm ơn Quảng Tây đã hỗ trợ vaccine, thiết bị y tế cho một số địa phương biên giới Việt Nam; khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam ủng hộ và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tăng cường hợp tác cùng có lợi với Quảng Tây; mong muốn Quảng Tây tạo thuận lợi thông quan các mặt hàng nông sản, hoa quả mùa vụ của Việt Nam, phối hợp giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh khẳng định Quảng Tây đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các bộ ngành, địa phương Việt Nam; mong muốn hai bên tận dụng tốt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương và đa phương; hoan nghênh Việt Nam tham gia và đóng góp cho thành công của Hội chợ Triển lãm Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 19 tổ chức tại Nam Ninh vào tháng Chín năm nay./.