Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi: Thu hẹp khoảng cách vùng miền
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi góp phần tăng cường xúc tiến thương mại, làm cầu nối giúp doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, góp phần tích cực vào thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, tăng cường xúc tiến thương mại, làm cầu nối giúp doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đến phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại Mèo Vạc, chị Lù Thị Mỷ cho biết gia đình ở cách nơi tổ chức phiên chợ khoảng 3km, biết tin có phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức tại trung tâm xã nên đã cùng mấy người cùng xóm đến chợ rất sớm để mua sắm những mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, chị rất vui vì được tiếp cận và mua sắm những mặt hàng do Việt Nam sản xuất với giá cả phù hợp.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thương tại Hòa Bình chia sẻ đây là lần đầu tiên ghé thăm phiên chợ hàng Việt và khá bất ngờ vì hàng hóa rất đa dạng mà giá cả phải chăng. Sau khi quan sát và mua sắm, hầu hết giá đều thấp hơn thị trường từ 10-20%, còn có thêm nhiều chương trình dùng thử sản phẩm, tặng kèm quà. Chỉ mới tham quan nửa tiếng mà đã mua được nhiều sản phẩm ưng ý.
Chị Phạm Thị Mạnh tại Ninh Bình cũng cho rằng hiện nay, thị trường hàng hóa thật giả lẫn lộn, khó phân biệt nhưng với phiên chợ hàng Việt, tất cả sản phẩm đều nguồn gốc rõ ràng và rất nhiều đặc sản vùng miền trên cả nước để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, ưu tiên lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Đồng thời, đây cũng là dịp để lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động được Sở Công Thương Lâm Đồng triển khai mạnh thời gian qua. Góp mặt vào Phiên chợ hàng Việt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Di Linh tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi với 24 gian hàng của 12 đơn vị là các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia.
Trong phiên chợ này, doanh nghiệp đã mang đến khu vực nông thôn Lâm Đồng những mặt hàng trong nước sản xuất với chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Từ đó, đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người dân địa phương.
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là hoạt động có ý nghĩa rất lớn, vừa giúp người dân tiếp cận được các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân địa phương.
Đặc biệt, Phiên chợ đã tạo cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn nhiều tiềm năng, từ đó xây dựng mạng lưới, kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."
Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến Công thương tỉnh Hà Giang cho hay với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Trung tâm tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Lũng Cú (Đồng Văn), Niêm Tòng (Mèo Vạc), Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) và Nà Chì (Xín Mần).
Mỗi phiên chợ được tổ chức từ 3-4 ngày với 24 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa trưng bày và giới thiệu bán tại các phiên chợ được sản xuất trong nước; đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại đã giúp bà con các địa phương nơi tổ chức phiên chợ và vùng lân cận tiếp cận với hàng hóa Việt Nam có giá cả phù hợp.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa hàng Việt về nông thôn miền núi mà thời gian qua Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều Phiên chợ giới thiệu hàng hoá của đồng bào dân tộc tới người tiêu dùng qua nhiều phương thức như trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử. Đơn cử, ngày 19/3 vừa qua tại làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, diễn ra phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Đây là sự kiện do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Biển Hồ, thành phố Pleiku tổ chức nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Phiên chợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm và có thu nhập ổn định, kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tiếp nối thành công của các phiên chợ đã được tổ chức tại huyện Bắc Hà, Bảo Yên và Bát Xát, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai và Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Thắng tổ chức Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Bảo Thắng nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp gỡ, giao lưu, hợp tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo Bộ Công Thương, tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 đến năm 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.
Nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại khu vực miền núi, vùng, sâu vùng xa và hải đảo, các hoạt động trong giai đoạn 2 của Chương trình đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo. Từ đó, tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Để nâng cao vai trò của thương mại điện tử và phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thông qua thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng.
Bởi qua đây sẽ giúp kết nối, đưa những sản phẩm của khu vực này tới tiếp cận với người tiêu dùng trong cả nước. Đặc biệt, góp phần tích cực và phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo./.