Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Bác; trở thành chiến lược cách mạng hàng đầu của Đảng, bài học lớn của cách mạng Việt Nam.
Chiều 17/5, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh,” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu, là nguồn sức mạnh vô tận của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành chiến lược cách mạng hàng đầu của Đảng và là bài học lớn của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng.
Theo Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, ngày nay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, đặc biệt là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới, nước ta cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không thể xem thường. Do đó, cần tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Các nhà khoa học khẳng định phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam.
Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc và tinh hoa tư tưởng nhân loại về vấn đề đoàn kết, tập hợp lực lượng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (3/3/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc.”
Đảng xây dựng đường lối, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và lãnh đạo toàn thể nhân dân đưa đường lối, chiến lược đó trở thành hiện thực đầy sức sống trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các nhà khoa học cũng làm rõ những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh chỉ đạo việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sắc bén và niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng biên độ đoàn kết đến tất cả các lực lượng, giai tầng, cộng đồng trong dân tộc còn ít nhiều tinh thần yêu nước, còn thừa nhận là con dân nước Việt.
Người nêu rõ: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.” Đây là cách tiếp cận rất đặc sắc, khoa học và nhân văn của Người, đã mang lại hiệu quả to lớn trong thực tiễn.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với công cuộc đổi mới hiện nay, các tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo đã khẳng định trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội VI của Đảng năm 1986 mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước đến nay, đã tạo động lực và sức sống mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mới đây, Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” đã thể hiện sự quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc qua từng giai đoạn cách mạng.
Tiếp đó, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” đã thể hiện tư duy chiến lược, nhất quán của Đảng đối với yêu cầu, nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là cẩm nang quý báu, góp phần quan trọng chỉ dẫn việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời gian tới.
Các nhà khoa học cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khai thác, vận dụng một cách sáng tạo những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp thiết./.