Phát hiện tác phẩm thất lạc của cha đẻ “Dracula” nhờ một sự tình cờ khó tin
Điều thú vị là phát hiện này không phải đến từ một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, mà từ Brian Cleary - một độc giả hâm mộ cuồng nhiệt và nghiên cứu nghiệp dư về Bram Stoker.
Một truyện ngắn chưa từng được công bố của nhà văn Bram Stoker – “cha đẻ” của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Dracula” - vừa được phát hiện tại thủ đô Dublin của Ireland.
Manh mối về tác phẩm có tựa đề “Gibbet Hill” trên không hề xuất hiện trong tiểu sử hay bất cứ tài liệu nào liên quan nhà văn Bram Stoker.
Do đó, thông tin về truyện ngắn bị lãng quên trong hơn 130 năm đã gây chấn động giới học giả và người hâm mộ văn học khắp thế giới.
Điều thú vị là phát hiện này không phải đến từ một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, mà từ Brian Cleary - một độc giả hâm mộ cuồng nhiệt và nghiên cứu nghiệp dư về Bram Stoker.
Anh Brian Cleary, 44 tuổi, từ lâu đã đắm chìm trong thế giới của Bram Stoker, đặc biệt là tiểu thuyết “Dracula” - tác phẩm văn học Gothic kinh điển ra mắt năm 1897.
Cleary sinh ra và lớn lên tại Dublin, cùng thành phố quê hương với Bram Stoker, do đó anh cảm thấy gắn kết đặc biệt với văn chương của tác giả. Nhưng phát hiện về “Gibbet Hill” đến với Cleary hoàn toàn tình cờ.
Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật cấy ghép ốc tai, anh đã dành thời gian đến Thư viện quốc gia Ireland để nghiên cứu văn học.
Vào tháng 10/2023, trong một lần lật giở phần phụ trương Giáng sinh của tờ Daily Mail phiên bản phát hành tại Dublin năm 1890, Cleary bất ngờ chạm tay vào “Gibbet Hill” - một tác phẩm chưa từng được nhắc đến trước đây.
Clearly kể lại: “Tôi gần như không thể tin vào mắt mình. Tôi tự hỏi liệu mình có phải là người duy nhất còn sống đã đọc câu chuyện này không.”
Sự kinh ngạc của Cleary nhanh chóng biến thành niềm đam mê nghiên cứu khi anh liên hệ với Paul Murray, một chuyên gia hàng đầu về Bram Stoker, để xác minh phát hiện của mình. Sau đó, cả hai đã cùng khẳng định rằng “Gibbet Hill” thực sự là một tác phẩm chưa từng được công bố.
Theo đánh giá của ông Paul Murray, “Gibbet Hill” mang ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển văn nghiệp của Bram Stoker.
Vào thời điểm viết truyện này năm 1890, Stoker vẫn còn trẻ và đang tích lũy những ý tưởng đầu tiên cho “Dracula.” Những chủ đề quen thuộc như cuộc chiến giữa thiện và ác, sự hiện diện của cái ác bí ẩn – vốn là đặc trưng trong các tác phẩm lớn của Stoker – đã bắt đầu xuất hiện trong “Gibbet Hill,” cho thấy quá trình hình thành phong cách văn học của ông.
Nhân dịp phát hiện chấn động này, “Gibbet Hill” đã được chuyển thể thành sách, với phần bìa và minh họa đặc sắc do nghệ sĩ người Ireland Paul McKinley thực hiện.
McKinley đã sáng tạo những hình ảnh u ám, rùng rợn để tái hiện không khí huyền bí trong truyện ngắn của Stoker.
Một trong những bức tranh nổi bật là hình ảnh đầy ám ảnh về những con giun đất, lấy cảm hứng từ nhân vật trẻ tuổi trong câu chuyện. McKinley hào hứng chia sẻ: “Việc tạo ra hình ảnh mới cho một câu chuyện bị chôn vùi trong thời gian dài là một thử thách đầy thú vị và sáng tạo.”
Phát hiện “Gibbet Hill” không chỉ mang đến niềm vui cho người hâm mộ Bram Stoker mà còn mở ra cánh cửa mới trong việc khám phá chiều sâu và phong phú trong sự nghiệp của tác giả này.
Trong khi “Dracula” đã trở thành biểu tượng của văn học Gothic (thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, miêu tả sinh động những câu chuyện kỳ bí với sự ghê rợn, tuyệt vọng, kỳ dị và mang màu sắc u ám), thì “Gibbet Hill” giúp khán giả đương đại hiểu thêm về hành trình sáng tác của Stoker – từ những câu chuyện nhỏ chưa từng được biết đến cho đến những tác phẩm kinh điển để đời./.