Pháp yêu cầu giám sát các địa điểm khai thác nước khoáng của Nestle
ANSES đã kêu gọi thiết lập một kế hoạch giám sát tăng cường để tiến hành các "biện pháp hóa học và vi sinh đáng tin cậy" tại những địa điểm khai thác nước khoáng của Nestle.
Ngày 4/4, Cơ quan giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường và lao động Pháp (ANSES) đã khuyến nghị giám sát chặt chẽ hơn các khu vực nơi mà tập đoàn thực phẩm Nestle khai thác nước khoáng.
Động thái trên diễn ra sau khi giới chức nước này phát hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn trong sản phẩm nước khoáng đóng chai của Nestle.
Trong báo cáo của mình, ANSES đã kêu gọi thiết lập một kế hoạch giám sát tăng cường để tiến hành các "biện pháp hóa học và vi sinh đáng tin cậy" tại những địa điểm khai thác nước khoáng của Nestle.
Theo ANSES, trước đó, hai cơ quan y tế địa phương tại Pháp đã ghi nhận "nhiều phát hiện về ô nhiễm vi sinh có nguồn gốc từ chất thải tại các nguồn nước" và đưa ra khuyến nghị rằng việc tăng cường giám sát tại những địa điểm này là cần thiết.
ANSES cũng xác nhận đã tiếp nhận báo cáo về ô nhiễm vi sinh của hai cơ quan trên và cơ quan này đã gửi khuyến nghị tới Bộ Y tế Pháp vào tháng 10 năm ngoái.
Động thái của ANSES diễn ra trong bối cảnh các công tố viên Pháp tiến hành cuộc điều tra về cáo buộc rằng Nestle đã sử dụng phương pháp xử lý bất hợp pháp trong quy trình sản xuất nước khoáng đóng chai tại nước này.
Phản ứng trước thông tin trên, bà Sophie Dubois, Giám đốc điều hành của Nestle Waters tại Pháp, nhấn mạnh rằng tất cả sản phẩm nước khoáng đóng chai của hãng này được đưa ra thị trường Pháp dưới nhãn hiệu Hepar, Contrex, Vittel hoặc Perrier đều "có thể được tiêu thụ một cách an toàn."
Các sản phẩm mang nhãn hiệu Hepar, Contrex, Vittel được đóng chai ở vùng Vosges phía Đông nước Pháp trong khi Perrier được sản xuất tại Vergeze ở phía Nam nước này. Theo bà Dubois, có thể còn "dấu vết tồn dư" thuốc trừ sâu trong sản phẩm của hãng, song ở mức "thấp hơn rất nhiều" so với mức cho phép đối với nước khoáng.
Những quy định về đảm bảo chất lượng nước khoáng đóng chai ở Pháp thường nghiêm ngặt hơn so với nước máy.
Hồi năm 2007, Chính phủ Pháp đã ban hành một sắc lệnh, theo đó quy định tại các nguồn khai thác và trong quá trình bày bán, nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm chất thải, không có ký sinh trùng và vi sinh gây bệnh./.