Phái đoàn Hamas tới Ai Cập để bàn về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza

Chuyến thăm của phái đoàn Hamas tới Cairo là một phần trong những cuộc thảo luận đang diễn ra với các bên trung gian - bao gồm Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - liên quan đến tình hình ở Gaza.

Người phát ngôn Hamas - ông Jihad Taha - ngày 2/1 thông báo phái đoàn của phong trào Hồi giáo này đã đến thủ đô Cairo của Ai Cập để giải quyết những thách thức xoay quanh thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Theo ông Taha, chuyến thăm của phái đoàn Hamas tới Cairo là một phần trong những cuộc thảo luận đang diễn ra với các bên trung gian - bao gồm Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - liên quan đến tình hình ở Gaza. Chuyến thăm nhằm giải quyết những trở ngại và điều kiện “gần đây do Israel áp đặt."

Ông Taha bày tỏ hy vọng có thể đạt được thỏa thuận nếu Israel đảo ngược các điều kiện gần đây.

Đầu tuần này, kênh truyền hình nhà nước Kan TV của Israel đưa tin Hamas đã đề xuất ngừng bắn trong 1 tuần nhưng không trao đổi tù nhân. Đáp lại, Israel đã bác bỏ đề xuất này và yêu cầu Hamas cung cấp danh sách các con tin được trả tự do trước khi ngừng bắn.

Một nguồn tin từ phong trào Hồi giáo này tiết lộ những cuộc họp của phái đoàn Hamas tại Cairo với các quan chức Ai Cập đã dẫn đến đề xuất hoãn một số điểm gây tranh cãi cản trở thỏa thuận ngừng bắn.

Theo nguồn tin, các thỏa thuận đạt được với phía Ai Cập, trong đó có đề xuất nêu trên, sẽ được chuyển tới phía Israel trong nỗ lực cuối cùng nhằm đảm bảo có được lệnh ngừng bắn trước ngày 20/1.

Trước đó trong ngày 2/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu xác nhận phái đoàn gồm các quan chức cấp cao của Israel sẽ đến thủ đô Doha của Qatar trong tuần tới để tiếp tục những cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

Cùng ngày, trong cuộc gặp Cố vấn An ninh quốc gia Anh Jonathan Powell, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã nhấn mạnh “những nỗ lực” của Cairo “nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza."

Tiến trình đàm phán gián tiếp giữa Hamas và Israel đã có được động lực trong những tuần gần đây để hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 15 tháng ở vùng lãnh thổ của Palestine. Tuy nhiên, cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau gây trở ngại và quay lưng với các thỏa thuận, trì hoãn lệnh ngừng bắn và trả tự do cho các con tin./.