Phà Vàm Cống "hồi sinh" sau hơn 4 năm dừng hoạt động
Việc Phà Vàm Cống hoạt động làm nhiều người dân rất phấn khởi vì giúp việc đi lại thuận tiện và hoạt động kinh doanh cũng phát triển hơn.
Sau hơn 4 năm dừng hoạt động kể từ khi Cầu Vàm Cống hoàn thành, đưa vào sử dụng, từ ngày 1/9, Phà Vàm Cống vượt Sông Hậu, nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang chính thức được đưa vào hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết trong việc lưu thông của người dân, nhất là bà con ở gần khu vực bến phà.
Việc Phà Vàm Cống hoạt động làm nhiều người dân rất phấn khởi vì giúp việc đi lại thuận tiện và hoạt động kinh doanh cũng phát triển hơn.
Đúng 7 giờ sáng, ngày 1/9, Phà Vàm Cống (bờ tỉnh Đồng Tháp) đón những hành khách đầu tiên trên chuyến phà đầu tiên.
Có mặt trên chuyến phà đặc biệt này, ông Nguyễn Văn Quốc (72 tuổi) ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chia sẻ, trong suốt mấy chục năm, ông qua lại Sông Hậu bằng Phà Vàm Cống rồi phà nghỉ suốt hơn 4 năm qua vì có Cầu Vàm Cống.
Hôm nay, được "tái ngộ" với Phà Vàm Cống, ông rất vui mừng và xúc động, đi trên phà mà có nhiều kỷ niệm ùa về.
[Bến Phà Vàm Cống chính thức tạm dừng hoạt động sau gần 1 thế kỷ]
Bà Huỳnh Thị Hòa, trú tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) có nhà ở gần bến Phà Vàm Cống cũng nôn nao, trông chờ từng ngày để phà chạy lại.
Bà Hòa tâm sự, hơn 4 năm trước, từ khi bến phà dừng hoạt động, không có khách nên bà cũng bỏ nghề bán tạp hóa, nước giải khát đã gắn bó gần cả đời người.
Bà đành chuyển sang mưu sinh bằng nghề bán rau, cải tại chợ Vàm Cống. Giờ đây, phà hoạt động trở lại, bà Hòa đã quay lại nghề cũ, đầu tư bàn, ghế, nước giải khát… để phục vụ hành khách lên xuống phà.
Đối với anh Nguyễn Xuân Tùng ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), việc Phà Vàm Cống hoạt động trở lại là điều anh mong ước đã trở thành hiện thực.
Anh Tùng cho biết, do yêu cầu công việc, anh phải thường xuyên qua thành phố Long Xuyên. Khi có Phà Vàm Cống, giúp rút ngắn quãng đường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc nên anh rất phấn khởi. Những người dân đi xe gắn máy như anh và người đi bộ sẽ thuận tiện hơn.
Theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, phía bờ tỉnh Đồng Tháp, bến phà đặt tại vị trí cũ trước đây - thuộc địa bàn xã Bình Thành, huyện Lấp Vò.
Bến Phà Vàm Cống thực hiện khai thác, vận chuyển hành khách và các loại phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới, phương tiện giao thông đường bộ, tổng tải trọng phương tiện dưới 7 tấn; xe khách đến 30 ghế, xe ôtô giường nằm dưới 22 ghế.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, việc khôi phục hoạt động trở lại của bến Phà Vàm Cống nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân ở hai bên bờ Sông Hậu, thuộc huyện Lấp Vò và thành phố Long Xuyên; phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù đã có Cầu Vàm Cống nhưng người dân ở khu vực hai bên bến phà cũ muốn qua lại Sông Hậu phải đi đường vòng để đến cầu, quãng đường khá xa. Cùng đó, số lượng công nhân từ Long Xuyên qua làm việc tại Khu Công nghiệp Lấp Vò khá nhiều.
Công ty cổ phần Phà An Giang và Công ty Phà Đồng Tháp là hai đơn vị tổ chức vận hành đưa, đón khách và các phương tiện giao thông. Phà Vàm Cống có 3 phương tiện tải trọng 40-60 tấn (tùy số lượng khách, có thể tăng cường thêm phương tiện), hoạt động từ 4 giờ đến 22 giờ hằng ngày.
Phà chỉ phục vụ ôtô tải dưới 7 tấn và xe khách đến 30 chỗ. Giá vé xe máy là 6.000 đồng/lượt; 25.000 đồng/lượt đối với ôtô dưới 7 chỗ; xe khách từ 16 đến 30 ghế, ôtô tải từ 5 đến dưới 7 tấn giá vé 60.000 đồng/lượt.
Bến Phà Vàm Cống dừng hoạt động từ tháng 6/2019, khi Cầu Vàm Cống bắc qua Sông Hậu, nối huyện Lấp Vò với thành phố Long Xuyên được khánh thành, đưa vào sử dụng./.