Ông Trần Anh Tuấn giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal, đã được Ban Chấp hành Hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal khóa I.
Chiều 19/4, tại Hà Nội, Đại hội thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal, trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình.
Tại đại hội, đại diện Bộ Nội vụ đã công bố Quyết định số 64/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal. Theo đó, Hội là tổ chức xã hội, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ, sự quản lý của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động.
Các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 27 ủy viên. Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal đã được Ban Chấp hành Hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal khóa I, nhiệm kỳ 2022-2027.
Trao đổi, xác định phương hướng, nội dung hoạt động của Hội trong khóa I nhiệm kỳ 2022-2027, các đại biểu dự Đại hội thống nhất Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal sẽ triển khai nhiệm vụ quan trọng, cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai tốt đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; góp phần “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
[Tuyên bố chung Việt Nam-Nepal, ghi nhận đóng góp to lớn của Phật giáo]
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal Trần Anh Tuấn cho biết, quan hệ giữa Việt Nam và Nepal có lịch sử lâu đời. Năm 1975, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Việc thành lập Hội có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần thúc đẩy tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nepal.
Thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal sẽ tăng cường mở rộng, tập hợp hội viên ở tất cả các giới, tầng lớp, công dân Việt Nam có mong muốn được tham gia Hội. Đồng thời, thông qua các hoạt động của Hội, nhân dân hai nước có cơ hội tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần làm cầu nối thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại,văn hóa, du lịch... giữa hai nước Việt Nam và Nepal.
Chúc mừng ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ được tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal khóa I (2022-2027) và các thành viên Ban Chấp hành Hội, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định, việc Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nepal. Hội sẽ là cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch giữa nhân dân hai nước.
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà Hội đã đề ra trong nhiệm kỳ đầu tiên, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Nepal khởi nguồn từ những điểm tương đồng về giá trị lịch sử, văn hoá, ảnh hưởng của giáo lý của Đạo Phật. Đây chính là cầu nối quan trọng trong kết nối nhân dân hai nước.
Chính vì vậy, Hội cần phát huy những lợi thế này để triển khai các hoạt động hữu nghị, góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực với Nepal. Khẩn trương xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ, trong đó chú trọng công tác xây dựng cơ chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức đã có quan hệ và kinh nghiệm hoạt động với Nepal như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số tổ chức đa phương là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam như Ủy ban Hòa bình Việt Nam...
Bên cạnh đó, Hội cần động thiết lập mối quan hệ và phối hợp chặt chẽ với hai Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Đại sứ quán Nepal tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam; thông qua đó, tìm kiếm, thiết lập mạng lưới và xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức nhân dân của Nepal.
Đồng thời, Hội cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hữu nghị song phương khác của Việt Nam với các nước khu vực Á-Phi, chủ động nghiên cứu, linh hoạt và sáng tạo tổ chức các hoạt động đối ngoại và phát triển tổ chức Hội, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến nhân dân Nepal và các nước trong khu vực.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tin tưởng, Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal dưới sự lãnh đạo của ông Trần Anh Tuấn, sẽ gặt hái nhiều thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng như công tác đối ngoại nhân dân của cả nước.
Ông Trần Anh Tuấn sinh ngày 24/2/1961; quê ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội; trình độ chuyên môn Tiến sỹ Khoa học quản lý, Thạc sỹ Kinh tế thương mại.
Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong 10 năm (2011-2021), phụ trách nhiều lĩnh vực công tác của Bộ như tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, chính quyền địa phương; công tác hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; công tác thanh niên. Ông nghỉ hưu theo chế độ từ năm 2021./.