Ông Donald Trump coi giải quyết khủng hoảng Ukraine là ưu tiên hàng đầu
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta phải giải quyết vấn đề Ukraine với Nga. Cả hai nước đều chịu những tổn thất, hàng trăm nghìn binh sỹ đã thiệt mạng."
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố việc quyết khủng hoảng Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông khi nhậm chức vào tháng tới, đồng thời mô tả tình hình Trung Đông là "vấn đề ít khó khăn hơn."
Trong cuộc phỏng vấn tạp chí Paris Match của Pháp được công bố ngày 11/12, khi được hỏi về ưu tiên hàng đầu của ông trên trường quốc tế, ông Trump nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta phải giải quyết vấn đề Ukraine với Nga. Cả hai nước đều chịu những tổn thất mà không ai có thể tin được. Hàng trăm nghìn binh sỹ đã thiệt mạng."
Ông Trump bày tỏ quan điểm: "Và Trung Đông tất nhiên là một ưu tiên lớn. Nhưng tôi nghĩ Trung Đông là tình huống ít khó khăn hơn so với Ukraine và Nga. Nhưng đó là hai tình huống mà chúng ta phải giải quyết và phải giải quyết nhanh chóng. Rất nhiều người đang chết."
Ông Trump đã bay đến Paris để dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris cuối tuần qua sau vụ hỏa hoạn thảm khốc năm 2019.
Ông đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp, chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông kể từ khi tái đắc cử.
Trước đó, giới chức Nga tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.
Diễn biến xung đột căng thẳng, phức tạp, nhưng vẫn còn "khe cửa hẹp" cho đàm phán. Một số dự báo lạc quan cho rằng đàm phán có thể diễn ra và cơ bản ngã ngũ trong năm 2025. Vấn đề chính, gai góc nhất là điều kiện tiên quyết của các bên.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng việc đạt được hòa bình sẽ rất phức tạp do lợi ích và điều kiện của các bên. Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng chỉ trên các điều kiện như công nhận lãnh thổ mà Nga kiểm soát, Ukraine từ bỏ hoàn toàn ý định gia nhập NATO và không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.
Một số quốc gia châu Âu dường như đã bắt đầu xem xét khả năng ngừng bắn dựa trên các đường ranh giới hiện tại, đồng thời cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine vẫn khẳng định không nhượng bộ lãnh thổ và cho rằng các điều kiện của Nga là không chấp nhận được.
Khả năng Nga và Ukraine chấp thuận ngồi vào bàn đám phán phụ thuộc đáng kể vào sự thay đổi trong các điều kiện và lập trường của cả hai bên, cũng như vai trò trung gian của các bên thứ ba như Trung Quốc hoặc Mỹ.
Dù triển vọng đàm phán vẫn rất mờ mịt, nhưng có vẻ cả Nga và Ukraine đều nhận thấy đã đến lúc cần phải tìm cách "lách qua khe cửa hẹp" để đạt được một thỏa thuận./.