Olympic 2024 - "làn gió" tăng trưởng mới cho kinh tế Pháp?
Ngày 25/7, hãng Air France đã thông báo doanh thu dự kiến giảm 150-179 triệu euro (163-184 triệu USD) trong quý 3/2024 do nhu cầu khách đến Paris mùa Hè năm nay không khả quan.
Theo tạp chí La Tribune, trước thềm khai mạc Thế vận hội Olympic, Pháp đã ráo riết chuẩn bị chào đón hàng trăm nghìn khách du lịch và đông đảo các đoàn vận động viên quốc tế.
Vùng thủ đô Ile-de-France và một số lĩnh vực (khách sạn, nhà hàng, du lịch) được kỳ vọng sẽ hoạt động tốt. Tuy nhiên, tác động đối với nền kinh tế Pháp cũng mới chỉ ở mức hạn chế.
Thế vận hội Olympic sẽ thúc đẩy nền kinh tế Pháp?
Trước hết, cần nhắc lại một vài số liệu đang mang lại hy vọng cho nền kinh tế của nước này. Dự kiến sẽ có tối đa 3,1 triệu khán giả tham dự các sự kiện thể thao, trong đó 64% người Pháp và 36% người nước ngoài.
Ngoài ra, còn có 90.000 đại diện gia đình Olympic, các chức sắc, giới truyền thông và tình nguyện viên. Nước Pháp có thể mong đợi được đón khoảng 905.000 lượt du khách nước ngoài trong mùa cao điểm.
Nhiều ngày trước khi diễn ra sự kiện thể thao trọng đại này, các cấp chính quyền Pháp đã sẵn sàng chào đón hàng triệu khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thế nhưng, thông báo giải tán Quốc hội đầy bất ngờ của Tổng thống Emmanuel Macron hồi đầu tháng Sáu đã khiến các doanh nghiệp với giới kinh tế trong nước “chìm dưới màn sương mù chính trị dày đặc.”
Các cuộc đàm phán bất tận trong nội bộ liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) có nguy cơ kéo dài “đường hầm tối tăm” này tới tận giữa mùa Hè, thậm chí lâu hơn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thế vận hội Olympic chưa tạo ra được một “sự bùng nổ” về số lượng du khách trong và ngoài nước. Các hãng hàng không lớn đang đồng loạt dự báo doanh thu giảm trong thời gian diễn ra Thế vận hội (26/7-11/8).
Ngày 25/7, hãng Air France đã thông báo doanh thu dự kiến giảm 150-179 triệu euro (163-184 triệu USD) trong quý 3/2024 do nhu cầu khách đến Paris mùa Hè năm nay không khả quan.
Theo Hội đồng Du lịch Paris, các khách sạn cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm khách du lịch trong mùa Hè năm nay, với tỷ lệ lấp đầy dự kiến sẽ giảm còn 60% vào đầu tháng Bảy.
Các chủ nhà cho thuê Airbnb (thuê phòng/căn hộ trên nền tảng thuê phòng trực tuyến Airbnb) cũng đang nỗ lực giảm giá để thu hút người thuê. Một số nơi thậm chí đã giảm hơn 50% giá cho thuê căn hộ.
Trong bối cảnh bấp bênh này, các doanh nghiệp vẫn hy vọng mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Pháp. Bị mắc kẹt trong mức tăng trưởng khiêm tốn, các động cơ chính của nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn. Lạm phát chắc chắn đã giảm kể từ năm 2023 (1,8% trong tháng Sáu vừa qua) nhưng người Pháp vẫn tiếp tục trong trạng thái “chờ xem”, bởi tiêu dùng hộ gia đình vẫn đặc biệt chậm.
Ngân hàng trung ương Pháp (BDF) dự báo GDP của nước này sẽ chỉ đạt mức rất yếu, khoảng 0,1% trong quý 2. Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế (INSEE) dự báo mức tăng GDP của Pháp chỉ khoảng 1,1% cho cả năm 2024. Cú sốc bất ổn về chính trị hiện nay có thể đè nặng lên kinh tế Pháp.
Thế vận hội Olympic được cho là một trong những sự kiện có khả năng thúc đẩy nền kinh tế Pháp. Các tài liệu kinh tế cũng đã đưa ra một số mô hình nhằm cố gắng tìm hiểu những tác động kinh tế của Thế vận hội này.
Trong báo cáo kinh tế mới nhất, INSEE ước tính đóng góp của Thế vận hội cho GDP của nước Pháp sẽ đạt khoảng 0,3 điểm trong quý III. “Đóng góp này chủ yếu liên quan đến việc bán vé, bán bản quyền truyền hình và tăng lưu lượng giao thông cũng như tăng trưởng du lịch,” Dorian Roucher, người phụ trách bộ phận kinh tế tại INSEE, cho biết.
Theo chuyên gia này, trong cả năm “đóng góp này sẽ ở mức 0,1 điểm”. Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, François de Villeroy de Galhau,, tác động của sự kiện thể thao số một thế giới đối với nền kinh tế Pháp “sẽ chỉ dừng ở mức hạn chế” và cho rằng “dự tính của INSEE là hơi lạc quan.” Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính ODDO-BHF, khẳng định tác động của Thế vận hội đối với kinh tế Pháp là “rất khó định lượng.”
Trước hết, nó có tác động vi mô lớn hơn và rõ ràng hơn, trong khi tác động vĩ mô là rất hạn chế, nếu không muốn nói là bằng không. Thông thường đối với loại sự kiện như vậy, các con số dự kiến đều bị thổi phồng và trong khi các chi phí liên quan đều được giảm thiểu.
Các nghiên cứu được thực hiện sau các sự kiện tương tự trước đây đều cho kết luận như vậy. Ở quy mô kinh tế vĩ mô, tác động thường là rất khiêm tốn. Phần lớn các sự kiện thi đấu đều diễn ra ở vùng thủ đô Ile-de-France. Điều đó có nghĩa là tác động đến tiêu dùng sẽ chủ yếu tập trung ở một khu vực duy nhất của đất nước và vì vậy, sẽ hạn chế mức độ phục hồi chung ở Pháp.
Chẳng hạn, 75% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tập trung ở Ile-de-France. Đối với một số lĩnh vực, tác động là rõ ràng như lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng. Theo INSEE, việc xây dựng các công trình Olympic sẽ bơm thêm khoảng 2 tỷ euro cho hoạt động kinh tế trong giai đoạn 2020-2023.
Về việc làm, các đơn đặt hàng này đã giúp tạo thêm 4.300 vị trí vào năm 2023 và 1.600 vào năm 2024. Liên quan đến việc làm trực tiếp và gián tiếp, rất khó để tính toán do tính thời vụ của hoạt động. Một số công việc thời vụ vẫn có thể được lấp đầy nếu không có Thế vận hội Olympic.
Các lĩnh vực được hưởng lợi khác chủ yếu tập trung ở khách sạn, nhà hàng và du lịch. Về mặt ngân sách, tổng chi phí hiện ước tính khoảng 7,6 tỷ euro theo nghiên cứu tác động của Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao (CDES) có trụ sở tại Paris.
Trong gói này, 4,3 tỷ euro được dành cho Ban tổ chức Thế vận hội Paris, số 3,3 tỷ euro còn lại tương ứng với khối lượng công việc cần thiết cho cơ sở hạ tầng của Thế vận hội Olympic.
Theo tập đoàn bảo hiểm Allianz, tác động của sự kiện đến lĩnh vực tài chính công sẽ “bằng không”. Cán cân thu-chi thậm chí có thể hơi “dương” một chút, vào khoảng 400 triệu euro.
Tuy nhiên, nguy cơ trượt giá không được loại trừ. Thế vận hội Olympic trước đây đã khiến các chính phủ ở Trung Quốc hoặc Nga phải chi thêm vài tỷ euro. Với tình trạng ngân sách thâm hụt như hiện nay, một sự đội giá như vậy sẽ là một thách thức về tài chính cho nước này./.