Nội các Nhật Bản thông qua dự luật xác định dữ liệu mật trong lĩnh vực kinh tế
Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ chỉ định dữ liệu thuộc diện quan trọng là "dữ liệu mật," dựa trên đánh giá việc rò rỉ thông tin đó có thể gây phương hại an ninh kinh tế và quốc gia của Nhật Bản.
Ngày 27/2, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật thiết lập hệ thống an ninh thông tin, trong đó xác định các thông tin được đánh giá là "dữ liệu mật" trong vấn đề kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ dữ liệu quan trọng ra nước ngoài.
Theo dự luật, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida có thể sẽ chỉ định dữ liệu thuộc diện quan trọng là "dữ liệu mật," dựa trên đánh giá việc rò rỉ thông tin đó có thể gây phương hại an ninh kinh tế và quốc gia của Nhật Bản.
Các dữ liệu được coi là mật chủ yếu liên quan đến công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Ban đầu, thông tin được dán nhãn mật trong khoảng 5 năm, nhưng có thể được Nội các cân nhắc và phê duyệt gia hạn lên tới 30 năm.
Dự luật này quy định khép tội hình sự đối với các hành vi rò rỉ thông tin bí mật, theo đó phạt tù tối đa 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 5 triệu yen (33.000 USD).
Các công ty tư nhân có thể phải đối mặt với án phạt nếu có nhân viên vi phạm vì hoạt động của công ty.
Các nhà lập pháp cho biết Chính phủ của Thủ tướng Kishida đặt mục tiêu ban hành luật trên vào cuối phiên họp quốc hội hiện nay, tức khoảng tháng Sáu tới, đồng thời tin tưởng rằng động thái này sẽ giúp củng cố an ninh kinh tế của Nhật Bản.
Quy định thông tin mật trong các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, ngoại giao, tình báo và chống khủng bố, đã được đưa vào một luật riêng rẽ có hiệu lực từ năm 2013./.