Niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng
Tiếp thu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình bày tỏ niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng sắp diễn ra…
Tại Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã có bài phát biểu quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng."
Tiếp thu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình bày tỏ niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng sắp diễn ra…
Ông Hoàng Ngọc Hòa, cán bộ hưu trí, nguyên Bí thư Đảng ủy Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, cho biết qua nghiên cứu nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư, ông nhận thấy nội dung đã đề cập toàn diện, sâu sắc, đúng, cụ thể và sát về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.
Đại hội kỳ này là một dấu mốc cực kỳ quan trọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên được rèn luyện, trưởng thành trong những năm kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong thời bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau."
Nhìn lại các thời kỳ Đại hội, ông Hoàng Ngọc Hòa cho rằng Đảng ta thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trước mỗi kỳ Đại hội, công tác này lại càng được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường, với nội dung, yêu cầu và trách nhiệm ngày càng cao hơn.
Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, với việc nhắc lại lời Bác Hồ kính yêu đã từng khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém;" “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng." Tổng Bí thư đề cao vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội mà mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn.
Như Tổng Bí thư đã đề cập “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi."
Tâm tư, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và nhân dân là Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều quy định về nội bộ Đảng, pháp luật, về dư luận của nhân dân và nhiều phương thức, hình thức, điều kiện cho cán bộ, đảng viên học tập, đào tạo, rèn luyện, thử thách, kê khai tài sản, cam kết trách nhiệm nêu gương, không tham nhũng, tiêu cực, không có dấu hiệu suy thoái “tự diễn biến, tự chuyển hóa”… và đại đa số cán bộ, đảng viên đã giữ vững được danh hiệu người đảng viên.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm ý chí, thiếu gương mẫu và xa dân, quên cả thanh liêm, danh dự, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật.
Vậy câu hỏi thường được mọi người quan tâm là làm thế nào không để những cán bộ đảng viên yếu kém, không đủ đức, đủ tài lọt vào các cơ cấu lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở các cấp, mà trên hết, trước hết, là Ban chấp hành Trung ương khóa tới. Đồng thời, những đồng chí đã được tín nhiệm vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIV phải thực sự giữ gìn danh hiệu cao quý của người Đảng viên, tiếp tục rèn luyện và chịu sự giám sát kiểm tra của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Đó cũng là mong muốn, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trước và sau kỳ Đại hội.
Cán bộ, đảng viên rất tâm đắc với nội dung về “Trách nhiệm của chúng ta” trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là công tác chuẩn bị nhân sự phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển vững mạnh của đất nước; phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã vi phạm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên nạt dưới; bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.
Khẳng định của Tổng Bí thư chính là tiếp tục thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu cách đây 57 năm, ngày ấy, Người đã chỉ rõ: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin vào chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hằng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa, người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất nhân cách vào bất cứ nhiệm vụ nào cũng nguy hại" (trích Lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, Báo Nhân dân ngày 19/8/1967).
Cuối cùng, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư đã xác định trách nhiệm của Đảng trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan. Đặc biệt, phải có con mắt tinh đời trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn, lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.
Tinh thần lãnh đạo đó của Tổng Bí thư cũng là lời của Hồ Chủ tịch từng nêu lên trong một bài viết “Tìm người tài đức” trong những ngày chính quyền cách mạng mới ra đời rằng: “Nước nhà cần phải kiến thiết, cần phải có nhân tài. Trong 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức."
Còn ông Hồ Anh Minh, cán bộ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ, khi tiếp cận bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng vừa qua, ông rất tâm đắc, thấy rõ ý nghĩa, giá trị và tính cấp thiết của công tác nhân sự vào thời điểm đại hội cũng đã cận kề.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư nêu rõ: "Công tác nhân sự của Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, của tổ chức Đảng, các cơ quan đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội XIV của Đảng...”
Về vấn đề này, ông Minh có ý kiến, Đảng ta đã có những chính sách phù hợp cho cán bộ cơ sở xã, phường nhưng công tác chuẩn hóa cán bộ nơi này hoặc nơi kia chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, trở thành rào cản của sự phát triển ở địa phương. Chính vì vậy, công tác nhân sự còn phải chuẩn hóa, làm tốt từ cơ sở mới đảm bảo sự phát triển toàn diện như mong muốn.
Thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV không còn nhiều, vì vậy, theo ông Hoàng Ngọc Hòa và ông Hồ Anh Minh, Đảng cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư đến toàn thể cán bộ, đảng viên.
Trên tinh thần ấy, Trung ương Đảng cần cụ thể hoá các nội dung của bài phát biểu vào một số văn bản hướng dẫn cho tổ chức Đảng các cấp thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng. Đó cũng chính là những việc cần phải làm và đề cao trách nhiệm của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng trong cả nước./.