Những phản ứng trái chiều về vụ Anh-Mỹ tấn công các mục tiêu của Houthi
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các cuộc không kích của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế; còn Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn xung đột lan rộng tại Yemen.
Ngày 12/1, Quốc vụ khanh phụ trách Các lực lượng vũ trang Anh, ông James Heappey cho biết hiện tại Anh không có kế hoạch tấn công mới vào các mục tiêu Houthi.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Heappey khẳng định: “Vụ tấn công ngày 11/1 là phản ứng cần thiết, mang tính giới hạn, và tương xứng” sau các vụ tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại quốc tế trên Biển Đỏ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố phản đối các vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ.
Tuyên bố nhấn mạnh các cuộc tấn công này “làm leo thang căng thẳng trong khu vực," đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động này.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại, ông Josep Borrell cũng đã thảo luận với Ngoại trưởng Oman, ông Badr Albusaidi về căng thẳng đang leo thang tại Biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh cần đảm bảo tự do hàng hải.
Đan Mạch bày tỏ ủng hộ các cuộc tấn công của Anh và Mỹ nhằm vào Houthi. Bộ Ngoại giao Đức cùng ngày cho rằng việc Anh-Mỹ tấn công Houthi "sẽ giúp ngăn chặn các vụ tấn công khác" của lực lượng này, đồng thời nêu rõ mục đích là "giảm căng thẳng và khôi phục sự ổn định tại Biển Đỏ."
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cho biết đang phối hợp với các đối tác EU và Mỹ để khôi phục an ninh tại Biển Đỏ và tránh leo thang xung đột.
Trên nền tảng mạng xã hội X, bà Lahbib nhấn mạnh: "Các cuộc tấn công của Houthi là mối nguy hiểm thực sự."
Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ngăn chặn xung đột lan rộng tại Yemen sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu Houthi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh (Mao Ning) nêu rõ: “Trung Quốc lo ngại về sự leo thang căng thẳng tại Biển Đỏ. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng."
Tại Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, bà Maria Zakharova cho rằng các cuộc không kích của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế, có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cùng chung quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Nasser Kanani cho rằng các cuộc tấn công quân sự của Mỹ và Anh vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, cố vấn của Thủ tướng Iraq, ông Fadi Al-Shammari cảnh báo phương Tây đang mở rộng cuộc xung đột Hamas-Israel và làm gia tăng cẳng thẳng trong khu vực. Còn Ngoại trưởng Jordan, ông Ayman Safadi cho biết nước này theo dõi sát các diễn biến đáng lo ngại tại Biển Đỏ và tác động đến an ninh khu vực.
Lực lượng Hamas ở Dải Gaza cũng phản đối các vụ tấn công của Anh-Mỹ, đồng thời cho rằng hành động này sẽ "tác động đến an ninh trong khu vực."
Trước đó, ngày 11/1, quân đội Mỹ và Anh đã tiến hành không kích hơn 10 địa điểm của lực lượng Houthi tại Yemen trong một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến và các chiến đấu cơ.
Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết mục tiêu của cuộc không kích này gồm các trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và các địa điểm cất giấu vũ khí của Houthi.
Người phát ngôn của Houthi Yahya Saree cho biết có 5 thành viên Houthi thiệt mạng và 6 người bị thương trong các cuộc không kích này.
Một thành viên Hội đồng chính trị tối cao của Houthi, ông Mohammed Ali al-Houthi cho biết lực lượng này sẽ sớm đáp trả vụ tấn công trên./.