Những phản hồi tích cực về chính sách thị thực mới của Việt Nam
Việc cho phép công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được xin cấp thị thực điện tử giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam, tạo bước ngoặt về phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Sáng 30/8, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) tổ chức họp báo về tình hình, kết quả triển khai những quy định mới về chính sách xuất nhập cảnh, thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, các nước cũng như người dân, du khách nước ngoài đánh giá cao và có những phản hồi tích cực trước chính sách mới về thị thực của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Sau 15 ngày Luật có hiệu lực (từ ngày 15/8 đến 30/8) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 127 của Chính phủ, đã có 112.058 hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử, tăng trên 70% so với trước khi Luật có hiệu lực.
Công dân các nước mới được áp dụng cấp thị thực điện tử theo Nghị quyết số 127 đạt 50% (56.000 hồ sơ); trong đó công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử chiếm khoảng 10% (9.130 hồ sơ).
Qua nắm tình hình, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh nhận thấy du khách nước ngoài đánh giá cao và có những phản hồi tích cực trước chính sách mới về thị thực của Việt Nam. Việc cho phép công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ được xin cấp thị thực điện tử giúp họ dễ dàng hơn khi quyết định tới Việt Nam, tạo bước ngoặt về phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, công dân Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhập cảnh theo nguyên tắc "có đi có lại."
Về việc người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, từ 15/8/2023 đến 30/8/2023, đã có 337.669 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, chiếm 70% tổng lưu lượng nhập cảnh, tập trung vào công dân một số quốc gia, như Hàn Quốc (155.000 lượt), Nhật Bản (30.000 lượt), Anh (8.000 lượt)...
Việc triển khai thực hiện nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đã tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.
Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh đã phối hợp các đơn vị thực hiện tích hợp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an.
Một số thủ tục đã đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao, như cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử ở trong nước (89,1%), đăng ký tài khoản điện tử (100%), gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (69,31%), kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua giao dịch điện tử tại Cổng Thông tin Điện tử về Xuất Nhập cảnh (92,54%)...
Việc triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh là tiền đề để cải cách hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, theo đó đã bỏ yêu cầu xác nhận thông tin về nhân thân, cư trú của công an xã, phường, thị trấn trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan nhằm giảm bớt chi phí đi lại, tránh gây phiền hà cho công dân và tận dụng tối đa thông tin đã có sẵn trong các Cơ sở Dữ liệu do Bộ Công an quản lý.
Cấp thị thực trên môi trường điện tử
Cũng từ ngày 15/8, nhiều chính sách về thị thực với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chính thức có hiệu lực. Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ đã quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Luật cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Ngày 14/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP, theo đó, Chính phủ quyết định cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Người nước ngoài được phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua 13 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.
Về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh cho biết người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch, tìm hiểu thị trường, đầu tư... chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức ở trong nước có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh.
[Các cửa khẩu cho phép người nước ngoài xuất-nhập cảnh với e-visa]
"Toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết cấp và nhận, in thị thực điện tử đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Việc nộp phí thị thực được thực hiện qua môi trường điện tử. Người nước ngoài có thể tự in thị thực thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian," Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh cho biết.
Về thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại Cổng Dịch vụ công Bộ Công an trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép chuyển đổi mục đích trong một số trường hợp như: có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
Hồ sơ đề nghị cấp e-visa của người nước ngoài sẽ bị từ chối khi khai không đúng thông tin và thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh được quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nhiều điểm mới trong xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam
Luật sửa đổi, bổ sung cũng có nhiều điểm mới về quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử được bổ sung đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ Số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ Điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các thiếtt bị thông minh.
Các chính sách mới đã giảm bớt các giấy tờ người dân phải nộp khi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, cụ thể: bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
Thông tin trên Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đã có trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, cơ quan cấp hộ chiếu có thể khai thác nên không cần yêu cầu công dân phải nộp. Việc cắt giảm này là phù hợp với chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân khi phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ.
Luật bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu nhưng sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận, cơ quan cấp hộ chiếu thực hiện việc hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Một điểm đáng chú ý nữa là bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn 6 tháng mới được xuất cảnh để tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt đối với các trường công dân có hộ chiếu còn thời hạn dưới 6 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài được định cư ở nước ngoài.
Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh đánh giá việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân phù hợp với điều kiện thực tế nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật./.