Những dấu ấn nổi bật của công tác lập pháp trong 6 tháng đầu năm

Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả công tác 6 tháng qua cho thấy tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả ngày càng được nâng lên trong công tác lập pháp; giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 7/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Cùng dự cuộc họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bám sát các nội dung, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm

Điều hành cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cuộc họp giao ban lần này là dịp để lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đồng thời bàn thêm về năng lực điều phối, điều hòa hoạt động của các cơ quan, kiến nghị, đề xuất thực hiện công việc tốt hơn.

Tại cuộc họp, báo cáo kết quả công tác tháng 6/2022 và 6 tháng đầu năm 2022, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ở trong nước, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu và nhiều hàng hóa cơ bản khác tăng cao, song dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, bám sát các chủ trương lớn, nghị quyết, kết luận của Trung ương, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chuẩn bị và cơ bản hoàn thành các nội dung thuộc chương trình công tác và xử lý kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh.

[Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội: Giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn]

Các cơ quan đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 2 kỳ họp Quốc hội (trong đó có Kỳ họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV); 6 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 4 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; triển khai thực hiện có hiệu quả ý kiến kết luận của lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước; chuẩn bị tốt ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội tham gia vào các nội dung, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Hoạt động ngoại giao nghị viện tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, đạt hiệu quả rất cao. Công tác đại biểu và công tác dân nguyện được bảo đảm. Các hoạt động thường xuyên được triển khai thực hiện tốt, bảo đảm đúng theo kế hoạch, qua đó góp phần quan trọng vào thành công chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết xung quanh công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các cơ quan cần quán triệt, kịp thời triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào quá trình xem xét, quyết định các nội dung tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nội dung trọng tâm sẽ tập trung hoàn thành Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” để phục vụ Quốc hội tiến hành giám sát tối cao.

Thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tham mưu, phục vụ chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng các nội dung để tổ chức các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tham mưu, phục vụ tổ chức tốt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 8/2022; ban hành Nghị quyết chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 và Kế hoạch triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023; xây dựng 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết danh sách ủy viên Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2023.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cũng cho biết sẽ chú trọng đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia, về chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).

Đồng thời, công tác giám sát cũng thực hiện đối với các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực giao thông; về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và các Nghị quyết khác đã được Quốc hội thông qua liên quan phát triển kinh tế-xã hội của đất nước...

Tiếp tục nâng cao, chất lượng hiệu quả hoạt động

Sau khi lắng nghe ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội, cơ bản nhất trí với những đánh giá trong dự thảo Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm của các cơ quan, đơn vị.

Dự thảo Báo cáo đã đánh giá vừa toàn diện, khái quát vừa cụ thể với các phụ lục rất đầy đủ, chi tiết về các công việc đã triển khai thực hiện và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 7/2022 và những tháng cuối năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội... xây dựng kế hoạch triển khai các công việc, nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực phụ trách, có phân công, phân nhiệm rõ ràng với thời hạn cụ thể, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá 6 tháng đầu năm nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nỗ lực rất lớn, tiếp tục kế thừa thành quả của các nhiệm kỳ trước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Kết quả với nhiều dấu ấn nổi bật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan trong hệ thống chính trị rất hiệu quả.

Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội bám sát và quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ kép về phòng, chống dịch COVID- 19 và phục hồi kinh tế-xã hội. Các quyết sách của Quốc hội thời gian qua không chỉ có ý nghĩa trong năm 2022 mà còn trong dài hạn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cho rằng kết quả vừa qua cho thấy tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả ngày càng được nâng lên trong công tác lập pháp; giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; công tác dân nguyện; lĩnh vực đối ngoại; công tác điều hòa, phối hợp bên trong và bên ngoài; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân... Bên cạnh đó, cơ cấu, tổ chức, bộ máy các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được kiện toàn một bước.

Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị, xây dựng các báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội với các văn kiện, Đề án của Trung ương được các Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao cả về chất lượng và tiến độ, tính phản biện cao, chất lượng tốt.

Tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất, đồng tâm hiệp lực, phát huy được vai trò trách nhiệm cao nhất của từng đại biểu Quốc hội, từng tổ chức, từng cơ quan, từng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu được phát huy.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan, đơn vị tuân thủ nghiêm quy chế làm việc, quy trình, quy phạm, chuyên nghiệp hóa; vừa bảo đảm tính bao quát, toàn diện, vừa bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý việc chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hội nghị sơ kết thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về chương trình giám sát, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp tháng Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia vào giữa tháng Bảy để chuẩn bị cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế năm 2022...

Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan, đơn vị đã thống nhất cao các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 7/2022 và 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các ý kiến kết luận tại cuộc họp giao ban tháng 7/2022 của lãnh đạo chủ chốt Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo Quốc hội và giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng các nội dung, đề án và tham gia ý kiến vào các nội dung, đề án theo sự phân công, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nội dung do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao Đảng đoàn Quốc hội thực hiện; tập trung hoàn thành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi); Đề án số lượng biên chế và sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.

Hoàn thiện Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội, Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội… bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình Đảng đoàn Quốc hội và nhiều nội dung quan trọng khác./.

PV (TTXVN/Vietnam+)