Nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc đẩy giá vàng tăng lên mức kỷ lục mới
Người dân Trung Quốc thường có nhu cầu tích trữ tài sản cao, đã tăng mua các sản phẩm từ vàng, bao gồm cả vàng thỏi, vàng miếng, đồ trang sức bằng vàng... đã gây nên “cơn sốt” vàng trong tuần 3-8/3.
Theo Bloomberg, “cơn sốt” vàng trong tuần từ 3-8/3 trên các thị trường toàn cầu xuất phát từ sự phục hồi nhu cầu của người mua tại Trung Quốc.
Bloomberg phân tích nhiều người tin rằng vàng tăng giá được kích hoạt bởi niềm tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nền tảng của đợt phục hồi kỷ lục lần này đến từ Trung Quốc.
Sau nhiều tháng giằng co, thị trường vàng thế giới bất ngờ sôi động trở lại vào ngày 8/3.
Trước đó, trong ngày 5/3, vàng đã phá kỷ lục thiết lập vào tháng 12/2023 và liên tiếp tăng giá lên các mức cao mới trong những ngày tiếp theo.
Bloomberg cho rằng bản chất của đợt phục hồi giá vàng trong tuần trước là rất đặc biệt.
Được định vị là một loại tài sản trú ẩn an toàn, vàng thường có xu hướng tăng giá trước những biến động về kinh tế hoặc địa chính trị gây chấn động toàn cầu. Nhưng vào tuần trước, thế giới không có bất kỳ sự biến động nào lớn được quan sát thấy.
Do đó, các nhà phân tích đã đi tìm lời giải thích cho sự “leo thang” của giá vàng dựa trên các thuật toán theo dõi động lực học trên thị trường - một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự biến động của vàng.
Kết quả phân tích cho thấy rằng vàng thế giới đã được giao dịch quanh ngưỡng giá 2.000 USD/ounce trong nhiều tháng qua, cao hơn rất nhiều so với mức giá trung bình đạt được vào năm 2019, giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Hơn nữa, vàng tiếp tục giữ ở mức giá cao ngay cả khi các ngân hàng trung ương đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến lãi suất tiến vào một mặt bằng cao mới.
Vào năm ngoái, trong khi nhiều nhà đầu tư phương Tây đã lựa chọn bán tháo vàng để chuyển đổi sang nắm giữ các loại tài sản khác có mức sinh lời cao hơn nhờ lãi suất ở mức cao, thì nhu cầu vàng toàn cầu vẫn được củng cố bởi hoạt động mua vào “khổng lồ” của các ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc.
Hơn nữa, người dân Trung Quốc, những người thường có nhu cầu tích trữ tài sản cao, cũng đã tăng mua các sản phẩm từ vàng, bao gồm cả vàng thỏi, vàng miếng, đồ trang sức bằng vàng…, nhằm bảo vệ tài sản của họ trước những rủi ro về có thể phát sinh do tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản trong nước suy yếu.
Chuyên gia Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hoá tại công ty Natixis, nói: “Thị trường vàng không được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư phương Tây. Trung Quốc, trong cả năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, vẫn là động lực đẩy giá vàng tăng.”
Tuy nhiên, chuyên gia Dahdah cũng lưu ý, cường quốc lớn nhất châu Á không phải là lý do duy nhất đằng sau hiện tượng vàng tăng giá mới nhất này.
Theo chuyên gia Dahdah, kỳ vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy giá vàng.
Bước nhảy vọt của giá vàng vào ngày 1/3 xuất hiện sau khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ thấp hơn kỳ vọng và tâm lý người tiêu dùng sụt giảm dẫn đến đồn đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để hạ lãi suất.
Tiếp theo, trong ngày 6-7/3, tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Jerome Powell một lần nữa khẳng định khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, tạo ra chất xúc tác cho các nhà đầu tư tập trung vào vàng, đẩy giá của loại tài sản phá kỷ lục.
Mới đây nhất , Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai của Mỹ tiết lộ các nhà quản lý tiền tệ đã đẩy mạnh hoạt động mua vàng trong tuần tính đến ngày 5/3 - thời điểm vàng phá mốc kỷ lục trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư cũng chính là một tác nhân đẩy giá vàng tăng gần đây.
Tuy nhiên, Bloomberg nhận định vàng thế giới vẫn còn một chặng đường dài nữa để đạt mức đỉnh được điều chỉnh theo lạm phát, thiết lập cách đây hơn một thập kỷ.
Tính từ đầu những năm 2000, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng hơn 600%. Nhưng tính dựa trên lạm phát, giá vàng hiện vẫn thấp hơn mức cao 850 USD/ounce đạt được vào tháng 1/1980, tương đương hơn 3.000 USD/ounce ngày nay.
Từ đó, Bloomberg kết luận rằng nếu hoạt động mua vào của Trung Quốc là trụ cột của thị trường vàng trong thời gian gần đây, thì chính sách của Fed có thể vẫn là động lực chính của thị trường.
Chuyên gia Alexander Zumpfe, nhà giao dịch cấp cao tại tập đoàn Heraeus Group của Đức, chia sẻ: “Hành vi thị trường hiện tại, đặc trưng bởi mức giá cao kỷ lục hàng ngày, là điều chưa từng có theo kinh nghiệm của tôi.”
Ông Zumpfe cho rằng sự độc đáo của thị trường vàng hiện nay nhấn mạnh đến sự phức tạp của động lực thị trường và sự đa dạng của các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng./.