Nhu cầu chăm bón cho lúa ở mức thấp khiến giá phân bón giảm nhẹ
Với nhu cầu chăm bón cho lúa vẫn ở mức thấp nên giá ure được các thương nhân và đại lý chào bán giảm nhẹ từ 50-100 đồng/kg so với tuần trước.
Với nhu cầu phân đạm ure thấp tại Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung cũng như chưa tăng mạnh tại miền Bắc, giá ure được các thương nhân và đại lý chào bán giảm nhẹ từ 50-100 đồng/kg so với tuần trước.
Khảo sát tình hình gieo sạ lúa Đông Xuân tại các tỉnh miền Bắc cho thấy hầu hết các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc dự kiến sẽ hoàn thành xuống giống lúa Đông Xuân trong tuần này.
Với diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân 2023-2024 tại Đồng bằng Sông Hồng khoảng 2,36 triệu ha và tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc khoảng 1,22 triệu ha, ước tính tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón (ure-NPK-Kali) tương ứng khoảng 250.000-295.000 tấn và 121.000-143.000 tấn, tương đương vụ Đông Xuân 2022-2023.
Trong số đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ tập trung chủ yếu trong tháng 3, chiếm khoảng 76%, còn lại trong tháng 4 khoảng 8%.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường AgroMonitor, tại miền Bắc, nhu cầu phân bón thấp do thời tiết mưa rét, người dân chưa vội chăm bón cho lúa Đông Xuân, chờ thời tiết ấm hơn.
Tại miền Trung nhu cầu phân bón cho lúa Đông Xuân cũng rải rác, nên tiêu thụ chậm.
Tại miền Đông và Tây Nguyên, nhu cầu cho cây công nghiệp và cây ăn trái ở mức thấp do đang trong mùa khô, nông dân hạn chế bón phân cho cây trồng.
Hiện các nhà máy sản xuất phân ure trong nước đang trong thời điểm trả đơn hàng xuất khẩu nên nguồn cung có sẵn trên thị trường không dồi dào.
Tuy nhiên, với nhu cầu chăm bón cho lúa vẫn ở mức thấp nên giá phân bón chỉ duy trì ở mức hiện nay hoặc giảm nhẹ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và kho trung chuyển Đông Nam Bộ, các nhà phân phối, thương nhân chào giá ure Cà Mau phổ biến ở mức 10.800 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg so với tuần trước.
Tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, chào giá ure Cà Mau sang tay phổ biến ở mức 11.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức 11.200 đồng/kg trong tuần trước.
Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ chào giá ure Cà Mau giao từ kho cấp 1 đến kho đại lý cấp 2 ở mức 11.200-11.400 đồng/kg tại An Giang, Cần Thơ và 11.500-11.600 đồng/kg tại Sóc Trăng.
Đối với ure Phú Mỹ, giá phân ure duy trì ở ở mức 10.400 đồng/kg.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và kho trung chuyển Đông Nam Bộ, chào giá ure Phú Mỹ tuần này đã giảm khoảng 100 đồng/kg về mức phổ biến 10.500 đồng/kg.
Tại Tây Nam Bộ, các nhà phân phối và thương nhân chào bán ure Phú Mỹ ngoài lệnh tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ đã giảm xuống mức 10.400-10.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với tuần trước.
Các đại lý cấp 1 chào giá ure Phú Mỹ giao tới kho cấp 2 chững từ cuối tuần trước ở mức 10.800-11.000 đồng/kg.
Tại kho trung chuyển Quy Nhơn, chào giá ure Phú Mỹ ngoài lệnh đã giảm xuống mức 10.800-10.900 đồng/kg từ đầu tuần, sau đó tiếp tục giảm về mức 10.700 đồng/kg.
Đối với ure Ninh Bình, chào giá sang tay tại nhà máy đã giảm khoảng 100 đồng/kg về mức 10.200-10.400 đồng/kg từ đầu tuần.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, chào giá ure Ninh Bình phổ biến ở mức 10.400 đồng/kg.
Đối với ure Hà Bắc, các nhà phân phối giữ chào giá sang tay tại nhà máy ở mức 10.400-10.600 đồng/kg và không đổi từ đầu tuần; chào giao tới kho đại lý cấp 1 ở Vĩnh Phúc giá 10.800 đồng/kg.
Đối với hàng nhập khẩu, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà nhập khẩu và thương nhân chào giá ure Brunei và Malaysia hạt đục hàng kho không đổi ở mức 10.400-10.500 đồng/kg và tại cầu cảng ở mức 10.350-10.400 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.
Trên thị trường thế giới, xu hướng thị trường ure thế giới vẫn chưa rõ ràng khi giá ure vẫn tăng giảm trái chiều tại nhiều khu vực.
Tuy nhiên với việc đấu thầu bán ure hạt đục của Indonesia đóng ngày 23/2 chốt bán ở mức 386,25 USD/tấn FOB (giá FOB là giá tại cửa khẩu bên nước người bán, giá FOB đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) cao hơn so với kỳ vọng của nhiều thương nhân, chào giá ure về Việt Nam ghi nhận gia tăng./.