Nhiều trạm y tế 'tiền tỷ' xây dựng dở dang ở tỉnh Quảng Trị

Nhiều trạm y tế xuống cấp trầm trọng nhưng việc xây mới các trạm y tế tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị từ nguồn vốn ODA đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan,” công trình dang dở… vì thiếu vốn.

Trạm Y tế xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) đã xây dựng khoảng 65% khối lượng công trình. Tuy nhiên do vướng mắc về vốn, công trình đã dừng thi công gần 1 năm nay khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), nhiều trạm y tế xuống cấp trầm trọng, không còn an toàn trong quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy nhiên, việc xây mới các trạm y tế từ nguồn vốn ODA đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan,” công trình dang dở…

Dự án Nâng cấp cơ sở vật chất ngành Y tế tỉnh Quảng Trị sử dụng nguồn vốn ODA do Chính phủ Italy tài trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án tại Quyết định số 2243/TTg-QHQT ngày 9/12/2010, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 74 tỷ đồng, trong đó vốn ODA tài trợ là 57,7 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 16 tỷ đồng.

Dự án bao gồm hợp phần xây lắp (xây mới 7 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng, Nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị) và trang thiết bị y tế (mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng và 20 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở Y tế tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Nhiều trạm y tế xây dang dở rồi “đắp chiếu”

Thực hiện dự án, tỉnh Quảng Trị tiến hành xây dựng mới 4 trạm y tế thuộc các xã Hải Chánh, Hải Quy, Hải Trường, Hải Xuân (huyện Hải Lăng) và Nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, đến nay mới có công trình Nhà xét nghiệm và Trạm Y tế xã Hải Xuân hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các công trình còn lại của dự án đều bị ngưng trễ, xây dựng dở dang.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại công trình xây dựng Trạm Y tế xã Hải Trường, đơn vị thi công hiện đã thi công xong phần thô, hoàn thành khoảng 85% khối lượng. Tuy nhiên, một năm nay, do thiếu nguồn vốn, công trình đã dừng thi công, cỏ dại mọc um tùm.

Trong khi đó, Trạm Y tế xã Hải Chánh đã xây dựng khoảng 65% khối lượng công trình. Nhà thầu đã thi công phần thô, đang chờ lợp tôn, sơn, lát đá và hoàn thiện hệ thống điện, nước, tường rào, khuôn viên sân vườn. Do vướng mắc về vốn, công trình đã dừng thi công gần 1 năm nay khiến người dân ở đây bức xúc.

Ông Trương Minh Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Trường, cho biết Trạm Y tế xã được khởi công xây dựng vào tháng 6/2020, với quy mô 2 tầng, nhiều phòng chức năng phục vụ việc khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một năm nay, công trình ngừng thi công vì thiếu vốn, khiến người dân rất bức xúc. Việc trạm y tế mới xây dựng dang dở không những ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân, còn khiến địa phương sụt giảm tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Bác sỹ Lê Thị Tảo, Trưởng trạm Y tế xã Hải Trường, cho biết để có mặt bằng xây dựng trạm y tế mới, phải phá bỏ nhiều phòng chức năng của trạm y tế cũ. Trạm Y tế xã đang hoạt động trong 4 phòng tạm, chật hẹp, nóng bức và thấm dột, thiếu thốn trăm bề; hiện không có phòng đẻ, không có phòng làm thủ thuật vô khuẩn, không thực hiện được các dịch vụ, như: đặt vòng, khám phụ khoa... Công tác khám bệnh, tiêm chủng, phục hồi chức năng, châm cứu và hội họp đều được dùng chung trong một “phòng đa năng” tạm bợ, không đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế.

Đặc biệt, đối với 3 trạm y tế (xã Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng), các nhà thầu không thực hiện thi công công trình theo hợp đồng đã ký kết, vì không tạm ứng được vốn từ nhà tài trợ; mặt khác dự toán công trình xây dựng từ năm 2016 nhưng do vướng mắc thủ tục, chậm trễ triển khai dẫn đến giá vật liệu xây dựng đã tăng quá cao; một số ngân hàng phát hành thư bảo lãnh không chấp thuận điều chỉnh…

Vì thế, 3 gói thầu xây dựng trạm y tế ở xã Hải Sơn, Hải Lâm và thị trấn Lăng Hải đã bị “tê liệt,” không biết bao giờ mới được xây dựng, trong khi các trạm y tế ở đây đã xuống cấp trầm trọng, không còn an toàn trong quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết huyện Hải Lăng có 7 trạm y tế bị xuống cấp nghiêm trọng và được hỗ trợ vốn ODA để đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, hiện 3 công trình ở xã Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng vẫn vướng mắc vốn nên chưa thể triển khai thi công. Trạm Y tế xã Hải Trường, Hải Chánh, Hải Quy đã triển xây dựng, nhưng lâm vào cảnh dở dang.

Việc công trình trạm y tế xã xuống cấp nghiêm trọng và xây dựng dở dang không những ảnh hưởng việc khám, chữa bệnh của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã, của huyện.

Loay hoay tìm cách tháo gỡ

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Trị, quá trình thực hiện dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc, như việc khởi động dự án chậm trễ; quy trình thủ tục theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn rất phức tạp, từ hồ sơ mời thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng thi công, mua sắm thiết bị… phải gửi đến nhà tài trợ, mất rất nhiều thời gian.

Trạm y tế xã Hải Trường đang hoạt động trong không gian hật hẹp, nóng bức và thấm dột, cơ sở vật chất thiếu thốn, hoạt động không đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Bên cạnh đó, do thời gian thực hiện dự án kéo dài, một số nhà thầu không thực hiện hợp đồng do không ứng được vốn; thủ tục quá phức tạp, dự toán phát sinh quá cao so với thời điểm trúng thầu năm 2016 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước thực trạng “dở khóc, dở cười” này, chủ đầu tư dự án buộc phải thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định hiện hành. Đồng thời, chủ đầu tư đề xuất không sử dụng vốn ODA đối với 3 gói thầu này và đưa ra khỏi dự án để sử dụng nguồn vốn khác đầu tư, kịp thời triển khai xây dựng các công trình y tế, giúp Hải Lăng hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Ngày 20/10/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã trình đề xuất này lên Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét.

Bác sỹ Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở Y tế tỉnh Quảng Trị), cho biết Ban Quản lý Dự án “đau đầu” với gói thầu xây dựng các trạm y tế nói trên và đang tìm mọi cách để tháo gỡ.

“Từ khâu xây dựng kế hoạch đến các bước triển khai đều có vướng mắc. Chủ đầu tư đang nỗ lực để tháo gỡ nhưng rất khó, dẫn đến việc chậm trễ,” ông Thịnh chia sẻ.

Ông Thịnh cho biết theo Hiệp định đã ký về khoản vay ODA được Chính phủ Italy tài trợ, chủ đầu tư là đơn vị không trực tiếp thanh toán cho nhà thầu mà phải thông qua Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính).

Nhà tài trợ trực tiếp thanh toán cho nhà thầu, vì vậy chủ đầu tư không chủ động trong vấn đề giải ngân dẫn đến bị động các kế hoạch hoạt động dự án.

Đến nay, đối với gói thầu xây dựng các trạm y tế trên, đơn vị thi công đã tạm dừng vì thời gian thực hiện dự án đã hết (hạn cuối ngày 31/12/2022), đang chờ gia hạn dự án để thi công tiếp. Riêng hợp phần mua sắm trang thiết bị đã thực hiện bàn giao, nghiệm thu khối lượng hoàn thành đạt khoảng 90% theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, một số trang thiết bị đã bàn giao, chưa được giải ngân dẫn đến nợ đọng.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án để hoàn thành hợp phần mua sắm trang thiết bị. Đối với hợp phần xây lắp, nên xem xét chấm dứt và bố trí bằng nguồn vốn khác để tiếp tục hoàn thiện, sớm đưa các trạm y tế vào sử dụng, tránh lãng phí.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, có công hàm gửi phía nhà tài trợ đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ, giải ngân kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án./.

Nguyên Linh (TTXVN/Vietnam+)