Nhiều tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam-Chile
Chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại hai nước Việt Nam-Chile.
Là quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25/3/1971), quan hệ thương mại Việt Nam-Chile đến nay đã có những bước phát triển ấn tượng và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile (VCFTA) được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ năm 2014 đã thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch hai chiều và diện hàng xuất nhập khẩu được mở rộng. Do đó, chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại hai nước.
Tận dụng hiệu quả
Nhận định từ Bộ Công Thương, khi chưa có VCFTA, hàng hoá của Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào Chile (trung bình là 6%) và Việt Nam luôn nhập siêu từ Chile. Thế nhưng, từ năm 2014 trở lại đây, Việt Nam luôn xuất siêu sang Chile và đặc biệt, sau 10 năm từ khi FTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile gấp 5 lần. Cùng đó, doanh nghiệp hai nước đã tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA để khai thác thị trường của nhau.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Chile đạt 1,57 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 375,16 triệu USD.
Riêng 9 tháng năm 2024, trao đổi thương mại song phương đạt 1,29 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,04 tỷ USD và nhập khẩu từ Chile 254,5 triệu USD. Đáng lưu ý, Chile hiện là một trong bốn đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina).
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Chile chủ yếu là hàng tiêu dùng như: điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; clinker và xi măng; gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; cà phê; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ... Trong số đó điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như: đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy, rượu vang, hoa quả tươi, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phế liệu sắt thép...
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, những năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Chile đã luân phiên tổ chức Hội đồng Thương mại tự do giữa hai nước. Phiên họp lần thứ 5 đã được tổ chức vào tháng 6 năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội. Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam – Chile là cơ chế hiệu quả để rà soát tình hình thực thi FTA Việt Nam – Chile và thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ.
Mới đây, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Phiên họp lần V Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam - Chile được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Ngoại giao Chile Claudia Sanhueza.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với cả hai nước từ tháng 2/2023. Đây là thời điểm thích hợp để trao đổi, không chỉ để rà soát lại các công việc từ phiên họp lần trước, mà còn để xác định những nội dung cần triển khai trong giai đoạn tới. Qua đó, tiếp tục triển khai thực thi hiệu quả Hiệp định VCFTA nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.
Về thương mại, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile đã và đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp, nhất là từ khi Hiệp định VCFTA được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ năm 2014. Cùng đó, ghi nhận nỗ lực trong việc triển khai thực thi VCFTA với những con số tăng trưởng ấn tượng thể hiện tác động to lớn mà FTA đã mang lại cho quan hệ thương mại song phương.
Mặc dù chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư nhưng Hiệp định VCFTA đã tạo nên cú hích cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đang tận dụng rất hiệu quả ưu đãi của FTA Việt Nam - Chile và Chile đang là một trong những thị trường đứng đầu về tỷ lệ tận dụng ưu đãi với tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu VC.
Năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, kim ngạch song phương chịu ảnh hưởng không nhỏ khi giảm 27,2% so với năm 2022, chỉ đạt 1,57 tỷ USD. Dù vậy, bước sang năm 2024, trao đổi thương mại đã có dấu hiệu hồi phục. Đây là tín hiệu tích cực để tin tưởng bức tranh hợp tác kinh tế, thương mại song phương sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Khai thác lợi thế
Theo nhận định từ các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile có hiệu lực từ năm 2014 giúp sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Chile được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo thuận lợi trong việc cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Chile từ tháng 2/2023 cũng mở ra cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư vào thị trường của nhau.
Chile là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương, điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường Chile mà còn mở rộng cơ hội sang các quốc gia thành viên khác như Peru, Colombia và Mexico. Với dân số hơn 19 triệu người và thu nhập theo đầu người cao, Chile là một trong những quốc gia có nhu cầu tiêu dùng lớn tại khu vực Nam Mỹ. Các sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Chile đánh giá cao. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Mặc dù Chile có chính sách thuế quan ưu đãi nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về nhãn mác. Tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thực phẩm và nông sản khắt khe và có sự khác biệt so với tiêu chuẩn Việt Nam nên doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi xuất khẩu.
Hơn nữa, Chile là một thị trường mở cửa, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn xuất khẩu vào đây. Các quốc gia khác có mối quan hệ thương mại tốt với Chile là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, Brazil và Argentina là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến.
Chile có thói quen tiêu dùng khác so với thị trường Việt Nam nên việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và thị hiếu khách hàng là một thách thức với doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Chile mất thời gian và có chi phí khá cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng lưu ý, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Tây Ban Nha cũng là thách thức cho doanh nghiệp trong việc giao tiếp và đàm phán hợp đồng.
Có thể thấy tiềm năng thị trường là rất lớn, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội và đi đến thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế - thương mại trên thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Chile, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu kỹ về thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, cũng như cập nhật chính sách kinh tế - thương mại - đầu tư của Chile thông qua các cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, Đại sứ quán Chile tại Việt Nam...
Cùng đó, tích cực tham gia xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Chile để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; chú ý tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu an toàn thực phẩm và chứng nhận xuất xứ của Chile. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất khẩu và logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Ngoài ra, chú trọng đến chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm qua kênh truyền thông và sự kiện quốc tế để gia tăng sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại Chile.
Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần hiểu rõ về FTA Việt Nam đã ký với Chile và Hiệp định CPTPP để tận dụng cơ hội và ưu đãi từ Hiệp định, cũng như nắm vững quy định về xuất khẩu, nhất là rào cản thương mại, thuế quan, thủ tục hải quan tại Chile để giảm thiểu chi phí phát sinh và tránh sự cố không mong muốn trong quá trình xuất khẩu. Mặt khác, chú trọng yếu tố phát triển bền vững bởi đây là xu hướng quan trọng trong các thị trường quốc tế, bao gồm Chile.
Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan và Thương vụ Việt Nam tại Chile sẽ là cầu nối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, kinh doanh của doanh nghiệp./.