Nhiều thách thức trong giải ngân 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở XH
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù được triển khai từ ngày 01/04/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay gói 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức trong việc giải ngân 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Đến thời điểm này vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay gói 120.000 tỷ đồng.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/5.
Thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại; trong đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
[Bộ Xây dựng triển khai đề án đầu tư xây ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội]
Những dự án đã và đang được triển khai, đã đầy đủ các yếu tố pháp lý cần tập trung cho vay cả nhà đầu tư và người mua nhà, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phát triển mạnh mẽ.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định rất rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bắc cho rằng việc triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng vẫn còn gặp không ít rủi ro. Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội...
Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án.
Cũng theo ông Bắc, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Do đó, mặc dù được triển khai từ 01/04/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay gói 120.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú, thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng - ông Bắc bày tỏ.
Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các địa phương cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng./.