Nhật Bản yêu cầu Mỹ, Australia đảm bảo nguồn cung LNG ổn định

Là nước nghèo tài nguyên, Nhật Bản đang đối diện với nguy cơ mất an ninh năng lượng khi căng thẳng với Nga làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt giữa lúc nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 12/7 cho biết ông sẽ yêu cầu Mỹ và Australia một lần nữa tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đảm bảo nguồn cung ổn định cho “xứ Phù tang” khi ông gặp những người đồng cấp tại Sydney trong tuần này.

Trong một cuộc họp báo, ông Hagiuda cho hay ông sẽ kiên quyết yêu cầu Mỹ, nhà sản xuất LNG lớn của thế giới và Australia, nhà cung cấp LNG lớn nhất cho Nhật Bản, đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo nguồn cung nhiên liệu ổn định khi thị trường LNG toàn cầu đang thắt chặt trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo kế hoạch, tuần này, ông Hagiuda sẽ đến Sydney để tham dự cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng của Nhóm Bộ Tứ (QUAD) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Trước đó, ông Hagiuda từng yêu cầu các Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và Australia bổ sung nguồn cung nhiên liệu thay thế sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Là một nước nghèo tài nguyên, Nhật Bản đang đối diện với nguy cơ mất an ninh năng lượng khi căng thẳng với Nga làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt giữa lúc nguồn cung toàn cầu thắt chặt và giá giao ngay cao ngất ngưởng.

Các nhà phân tích nhận định Nhật Bản cần phải chuẩn bị cho kịch bản mất nguồn cung LNG từ dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga.

[Mỹ-Nhật Bản hợp tác giải quyết vấn đề giá lương thực và năng lượng]

Hiroshi Hashimoto, chuyên gia tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ), cho rằng đối với nguồn cung cho đến khoảng năm 2025, Nhật Bản sẽ cần tăng cường thu mua từ các nhà sản xuất ngoài Nga và tìm kiếm nguồn cung bán lại từ các công ty Trung Quốc nếu nguồn cung LNG của Nga sụt giảm.

Đối với nguồn cung sau năm 2026, Nhật Bản sẽ cần ký hợp đồng dài hạn mới về cung ứng LNG với Mỹ, Australia, Qatar và các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ phải cung cấp một số hình thức hỗ trợ để giúp thúc đẩy sự phát triển của các dự án mới./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)