Nhật Bản-Việt Nam chia sẻ chăm sóc dinh dưỡng đầu đời cho trẻ em
30 năm qua, JICA đã và đang triển khai nhiều loại hình hợp tác khác nhau trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Việt Nam đang phải đối phó với đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm: thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn như nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị.
Ông Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo chuyên đề Nhật Bản-Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam, diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội.
Theo ông Dương, những vấn đề dinh dưỡng trẻ em như trên sẽ làm chậm lại sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ cũng như gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi.
Đây là lứa tuổi trẻ tập làm quen với thức ăn gia đình, chuyển tiếp từ bú mẹ sang ăn cứng, khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, dễ tiếp cận với các nguồn gây bệnh , các chức năng sinh lý, giải phẫu và tâm lý còn chưa hoàn chỉnh. Do đó, các vấn đề dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi này. Bởi thực phẩm ăn bổ sung và thực hành nuôi dưỡng đầy đủ và hợp lý có thể giúp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, phòng chống thừa cân béo phì.
Ông Sugano Yuichi - Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho hay trong hơn 30 năm qua, JICA đã và đang triển khai nhiều loại hình hợp tác khác nhau trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương trước các bệnh truyền nhiễm. JICA luôn coi trọng vấn đề này trong "Sáng kiến sức khỏe toàn cầu của JICA" tại các nước.
Ngoài ra, JICA cũng thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau tại Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cũng như tăng cường năng lực cho hệ thống y tế nhằm đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao tới với những phụ nữ mang thai và trẻ em.
“Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như sức khỏe sinh sản. Việt Nam có những kết quả trong nỗ lực triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử tại 63 tỉnh thành từ tháng 9/2022. Tôi hy vọng Nhật Bản có thể tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, hỗ trợ và đề xuất các giải pháp bằng cách sử dụng kinh nghiệm của Nhật Bản kết hợp với công nghệ tiên tiến và ý tưởng mới của các doanh nghiệp Nhật Bản để giải quyết vấn đề sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sức khỏe sinh sản tại Việt Nam,” Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam nhấn mạnh.
Từ năm 2023, JICA đã triển khai Dự án Khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam cùng với Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và các chuyên gia Việt Nam khác. Mục tiêu chính của dự án là phổ biến kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản về chế độ ăn uống và dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng như trẻ nhỏ tới nhân viên y tế và các bà mẹ.
Những kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành về bữa ăn và định lượng dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung của người Nhật đã nhận được sự quan tâm từ các chuyên gia Việt Nam. Những kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ được sử dụng và phổ biến rộng rãi hơn trong tương lai nhằm cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và tạo thói quen sử dụng thức ăn phù hợp cho trẻ nhỏ qua đó góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức của các bên liên quan trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm cho trẻ em để có thể cải thiện kiến thức và thực hành của người chăm sóc trẻ cho phù hợp với các khuyến nghị dựa trên bằng chứng khoa học, kinh nghiệm của Nhật Bản và đảm bảo yếu tố văn hoá truyền thống của người Việt Nam./.