Nhật Bản hủy bỏ nhiều lễ hội pháo hoa trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do hãng tin Kyodo thực hiện cho thấy trong năm 2023 đã có ít nhất 25 lễ hội pháo hoa tại Nhật Bản phải hủy bỏ, phần lớn là do chi phí vật liệu cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản đã phải hủy bỏ nhiều lễ hội pháo hoa thường niên do tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do hãng tin Kyodo thực hiện cho thấy trong năm 2023 đã có ít nhất 25 lễ hội pháo hoa tại Nhật Bản phải hủy bỏ, phần lớn là do chi phí vật liệu cao và các biện pháp an ninh kiểm soát chặt chẽ hơn. Dự kiến, nhiều lễ hội pháo hoa sẽ bị hủy bỏ trong năm sau và cả những năm sau nữa.
Các màn trình diễn pháo hoa là một hoạt động đặc sắc trong mùa Hè ở Nhật Bản, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cả trong và ngoài nước. Chi phí để tổ chức những màn trình diễn này rất cao, thường do cả khu vực công và tư nhân tài trợ.
Tuy nhiên, những sự kiện này ngày càng khó tổ chức do trợ cấp của chính phủ, cũng như hoạt động tài trợ và quyên góp của doanh nghiệp giảm dần.
Các nhà tổ chức lễ hội gặp khó khăn trong việc kêu gọi hỗ trợ tài chính từ các công ty và người dân địa phương, vì một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống, đã đóng cửa khi đại dịch COVID-19 tấn công ngành du lịch.
Theo ông Fumio Kissei - người đứng đầu Hiệp hội Du lịch của thị trấn Onjuku, thuộc tỉnh Chiba - nơi đã buộc phải hủy bỏ lễ hội pháo hoa năm nay, việc đốt 1.500 quả pháo hoa chỉ trong 30 phút sẽ tiêu tốn hơn 5.000.000 yen (khoảng 33.000 USD).
[Nhiều người Nhật Bản 'không thoải mái' khi xin nghỉ phép]
Lễ hội pháo hoa Kasamatsu ở Gifu là một ví dụ khác về việc chính quyền địa phương giảm hỗ trợ tài chính. Lễ hội này từ lâu đã dựa vào khoản kinh phí khoảng 12.000.000 yen (tương đương 80.000 USD) từ quỹ địa phương, nhưng do chi phí dự kiến sẽ tăng nên ban tổ chức đã quyết định không tổ chức trong năm nay.
Tại một số địa phương khác, bất chấp tình hình khó khăn, nhiều nhà tổ chức vẫn tìm các giải pháp khả thi để tổ chức lễ hội truyền thống này như đa dạng hóa nguồn doanh thu. Lễ hội pháo hoa hồ Biwa – hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản ở tỉnh Shiga-đã được tổ chức lần đầu sau 4 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Ban tổ chức lễ hội đã triển khai hình thức chỗ ngồi trả phí - một chiến lược mở rộng nhằm tăng doanh thu cho sự kiện bắn pháo hoa ngày 8/8 vừa qua.
Trong khi đó, Lễ hội pháo hoa sông Sumida nổi tiếng ở Tokyo đã trở lại vào mùa Hè này với lần tổ chức thứ 46 và thu hút số lượng người xem cao kỷ lục là 1,04 triệu người.
Đại diện ban tổ chức lễ hội cho biết: “Chúng tôi mong muốn không chỉ tiếp tục sự kiện đáng trân trọng này, mà còn để qua đó giới thiệu về truyền thống của Nhật Bản tới khách du lịch nước ngoài đến với lễ hội hằng năm”./.