Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế nông nghiệp xanh
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược nông nghiệp thông qua quá trình thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp."
Nằm trong chương trình Lễ hội Hokkado tại Hạ Long năm 2023, ngày 17/11, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) đã tổ chức hội thảo chuyên đề nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Tại hội thảo, tỉnh Quảng Ninh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản có thể coi Quảng Ninh là trung tâm hợp tác về nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Qua đó, trở thành hợp tác mẫu mực của hai Bộ Nông nghiệp của hai quốc gia Nhật Bản-Việt Nam và một tỉnh của Việt Nam mà tỉnh Quảng Ninh đăng ký tiên phong đi đầu trong hợp tác này.
Dự và phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nông nghiệp của hai nước Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập.
Hợp tác nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua đã đóng góp có ý nghĩa vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và hiện tại Nhật Bản đang đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thông qua quá trình thay đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" để đạt được mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh."
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để nông nghiệp tăng trưởng xanh cần định vị rõ vai trò nguồn nhân lực trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, tri thức hóa nông dân cần phải là nhiệm vụ trọng tâm; cần chuyển đổi tư duy, tiếp cận mới hơn, khác hơn trong xu thế toàn cầu hóa, tri thức hóa, công nghệ hóa, xanh hóa, đó là tư duy làm nông nghiệp "ít hơn để được nhiều hơn."
Cụ thể hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng bộ và hệ thống từ tư duy đến hành động.
Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Ông Maitachi, Thứ trưởng chuyên trách Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản chia sẻ, từ năm 2021, Nhật Bản đã xây dựng "Chiến lược hệ thống lương thực thực phẩm xanh," và đang thúc đẩy nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu cải thiện năng suất và tính bền vững trong các ngành thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua các sáng tạo, đổi mới.
Theo ông Maitachi, Nhật Bản và các nước ASEAN có chung một số đặc điểm như cùng nằm trong khu vực gió mùa châu Á, có nhiệt độ và độ ẩm cao, nông nghiệp tập trung vào cánh đồng lúa và tỷ lệ nông dân quy mô vừa và nhỏ cao.
Điều này cho thấy nhiều công nghệ mới của Nhật Bản có thể áp dụng được ở Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Gần đây, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm tạo ra một môi trường giúp các doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp như cải tạo các công trình thủy lợi đã cũ, hỗ trợ xây dựng các chính sách và chiến lược khuyến nông, đồng thời phát triển nguồn nhân lực bằng cách cử chuyên gia Nhật sang Việt Nam làm việc.
Phó Chủ tịch Ủy banh Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho hay Quảng Ninh là tỉnh tiên phong sang Nhật Bản học tập và đưa phong trào OVOP (One Village One Product - mỗi làng một sản phẩm) về Quảng Ninh thành Chương trình Kinh tế Nông thôn OCOP (One Commune One Product - mỗi xã, phường một sản phẩm), được Trung ương đánh giá và nhân rộng thành Chương trình Quốc gia OCOP - là chương trình trọng tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia, là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho khu vực nông thôn.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều hợp tác nông nghiệp với các tỉnh của Nhật Bản và thành phố thuộc tỉnh Hokkaido. Tỉnh có lợi thế gần thị trường Đông Bắc Á và Nhật Bản - nên đây sẽ là địa chỉ để các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung có thể hợp tác, đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản để phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, bằng những kinh nghiệm và lợi thế sẵn có của tỉnh Hokkaido, Nhật Bản có thể hợp tác với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam nhằm trao đổi, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư chuyển giao công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh để phục vụ thị trường khổng lồ khách du lịch Quảng Ninh, đồng bằng sông Hồng, đồng thời chuyển giao công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Quảng Ninh hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đồng bộ với tăng trưởng xanh phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ hiện đại./.