Nhật Bản: Cần xử lý tài sản đóng băng của Nga theo luật pháp quốc tế
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết Tokyo thận trọng với ý tưởng do Washington đề xuất về việc tịch thu hoàn toàn tài sản bị đóng băng của Nga.
Ngày 12/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khẳng định nước này mong muốn việc xử lý các tài sản bị đóng của Nga phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Suzuki nêu rõ chưa có sự đồng thuận giữa các nước về việc xử lý tài sản bị đóng băng của Nga. Lập trường của Nhật Bản là vấn đề này phải được xử lý theo cách không vi phạm luật pháp quốc tế.
Ông Suzuki cho biết Tokyo thận trọng với ý tưởng do Washington đề xuất về việc tịch thu hoàn toàn tài sản bị đóng băng của Nga. Một số chuyên gia cảnh báo động thái này có thể dẫn đến những tranh chấp pháp lý.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Suzuki sẽ đến thủ đô Washington (Mỹ) trong tuần tới để tham dự các cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo ông Suzuki, vấn đề xử lý tài sản đóng băng của Nga nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính G7 lần này.
Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7 đã đóng băng số tài sản trị giá khoảng 300 tỷ euro (321 tỷ USD) của Ngân hàng trung ương Nga sau khi xung đột Ukraine bùng phát.
EU và G7 đã thảo luận cách thức xử lý số tài sản này trong suốt hơn một năm qua. Mỹ đã đưa ra ý tưởng tịch thu toàn bộ số tài sản nhưng các quan chức EU đánh giá phương án này quá rủi ro về mặt pháp lý.
Nga cho rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine sẽ là bất hợp pháp và cảnh báo Moskva sẽ kiện những hành vi này./.