Nhân sự - Mảnh ghép không thể tách rời của Sacombank
Từ 100 nhân viên khi mới thành lập, đội ngũ nhân sự của Sacombank hiện đã vượt mốc 18.000, trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong quá trình kiến tạo sức mạnh nội lực mà ngân hàng này luôn tự hào.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tròn 32 năm thành lập. Tổng tài sản của ngân hàng này đến cuối 2023 ước đạt hơn 665.000 tỷ đồng, trở thành một trong những ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Thành quả này được kiến tạo từ nhiều yếu tố. Trong đó, đội ngũ nhân sự trải rộng nhiều thế hệ với kiến thức chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo, giàu nhiệt huyết chính là yếu tố nòng cốt để Sacombank phát triển vững vàng suốt thời gian.
Vậy chiến lược nào trong công tác quản trị nguồn nhân lực đã giúp một ngân hàng thương mại cổ phần lâu đời như Sacombank có thể duy trì được đội ngũ nhân sự chất lượng như thế?
Phát triển sức mạnh từ bên trong
Ở Sacombank, mọi thứ đều phải xây dựng từ gốc rễ. Vì vậy, trong quá trình đầu tư vào nguồn nhân lực, Sacombank ưu tiên các yếu tố nền tảng như cơ hội phát triển năng lực, chính sách phúc lợi hấp dẫn và tính bình đẳng giới.
Xác định đào tạo là chìa khóa để nâng tầm "chất xám" doanh nghiệp và tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường, Sacombank đã chú trọng triển khai từ những ngày đầu thành lập và vận hành Trung tâm Đào tạo với sứ mệnh “Kiến tạo môi trường học tập hạnh phúc.”
Căn cứ trên sứ mệnh này, Sacombank hướng tới việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, nơi cán bộ nhân viên xem việc học hỏi, phát triển là một hành động tự nhiên mà không phải một việc bắt buộc phải làm.
Khác với hình dung thường thấy về những lớp học khô khan, Sacombank cung cấp đa dạng chương trình đào tạo tiên tiến, kết hợp giữa lý thuyết và tương tác, thực hành. Nhiều giáo trình được số hóa toàn bộ, cho phép nhân sự tiếp cận mọi lúc mọi nơi.
Trong đó, thư viện số LMS là một trong những thành quả Chuyển đổi Số đáng chú ý. Hệ thống này vận hành nội dung đào tạo trực tuyến 24/7. Các bài giảng được chính đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên nội bộ Sacombank biên tập nên có tính ứng dụng cao, giúp người học có thể lên kế hoạch tự đào tạo, phát triển năng lực dễ dàng, chủ động.
Bên cạnh khía cạnh học tập, nhân sự Sacombank còn được hoạch định sơ đồ thăng tiến rõ ràng. Nếu hoạt động này trên thị trường chủ yếu do sự đánh giá chủ quan của người quản lý thì tại Sacombank, cán bộ nhân viên vào ngày đầu đi làm đã được tiếp cận lộ trình phát triển nghề nghiệp cụ thể. Lộ trình này được chia thành từng nhóm chức danh riêng biệt, tương ứng với đó là các nhóm kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết. Cán bộ nhân viên hoàn toàn chủ động trong việc hoàn thiện bản thân theo những tiêu chuẩn tại vị trí thăng tiến mà mình mong muốn.
Sacombank cũng sẽ tổ chức định kỳ các chương trình kiểm tra, đánh giá nhằm tạo động lực cho nhân sự tự học hỏi đồng thời qua đó, chọn lọc những ứng viên xuất sắc để có quy hoạch nhân sự hợp lý. Hiện có đến 99% cán bộ quản lý ở Sacombank được phát triển từ nguồn nhân sự nội bộ thông qua quá trình chủ động phát triển.
Ngoài hai nền tảng chính là cơ hội thăng tiến và phúc lợi, sự bình đẳng cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược quản trị nhân sự hiệu quả của Sacombank. Ngân hàng sẵn sàng trao quyền, tạo cơ hội được đào tạo, thăng tiến và hưởng các đãi ngộ như nhau cho cả nam và nữ.
Hiện, số lượng nhân sự nữ của Sacombank là hơn 8.500 người, nam hơn 9.000 người và đa dạng các nhóm tuổi, trải dài từ thế hệ Gen X đến Gen Z. Điều này tạo nên một môi trường làm việc đa bản sắc, vừa có sự sáng tạo, năng động của sức trẻ lại vừa có sự điềm tĩnh, dày dạn kinh nghiệm của lớp nhân sự thâm niên.
Không ngừng nâng cao giá trị
Từ nhiều năm nay, ngân hàng đã tập trung Chuyển đổi Số toàn diện nhằm nâng cao năng lực quản trị. Trong đó, thay đổi mang tính bước ngoặt đáng kể là khi Sacombank hợp tác với SAP và HR Path - nhà cung cấp các dịch vụ quản lý nguồn nhân lực hàng đầu thế giới triển khai giải pháp quản trị nhân sự SAP SuccessFactors, trên nền tảng điện toán đám mây. Đây là giải pháp quản trị hiện đại với hơn 120 triệu người dùng tại 74 quốc gia.
SAP SuccessFactors biến mọi tương tác thủ công giữa nhân sự với tổ chức trở thành những tương tác trực tuyến trên môi trường số. Ngay trên nền tảng này, mọi nhân sự Sacombank được chủ động lập kế hoạch thăng tiến và hoàn thiện năng lực bản thân, cập nhật “hồ sơ” kỹ năng, quản lý thông tin và dữ liệu cá nhân.
Nếu cách đây vài năm, một hành động đơn giản là xin nghỉ phép cũng cần phải viết trên giấy và lưu trữ thủ công thì nay, chỉ với một thao tác trên bàn phím, nhân sự đã hoàn tất việc đăng ký nghỉ phép. Toàn bộ quá trình này sẽ được thông báo tự động đến cấp quản lý, cập nhật trên hệ thống và "tracking" dễ dàng. Ở phương diện quản lý, nền tảng này giúp quản trị chuẩn xác hơn, hạn chế các yếu tố cảm xúc khi đánh giá và giảm tải những thủ tục không cần thiết.
Bên cạnh đó ngân hàng đã kiến tạo môi trường làm việc số thông qua công nghệ VPN và VDI, tận dụng công nghệ đám mây. Nhờ đó, 18.000 nhân sự có thể chia sẻ tài liệu, trao đổi trực tuyến thông qua các công cụ như Office 365, Microsoft Teams ở bất kỳ đâu.
Ngoài ra Sacombank phổ biến cách thức tư duy mới phù hợp môi trường số như tư duy thiết kế (design thinking), ra quyết định dựa trên dữ liệu (data-driven decision-making), tư duy lấy khách hàng làm trung tâm (customer-centric thinking) đến những kỹ năng Số như khai thác dữ liệu, an toàn thông tin cho các cấp quản lý và nhân viên. Ngoài ra, ngân hàng còn một đội ngũ chuyên gia về phương pháp làm việc mới để hướng dẫn mọi người cùng áp dụng.
Ngân hàng cũng đã xây dựng văn hóa trao đổi, thảo luận cởi mở trong 32 năm qua, nhờ vậy, Sacombank có thể dễ dàng thu hút những ý tưởng đột phá, đóng góp đáng kể vào việc nâng cấp sản phẩm - dịch vụ hoặc cải tiến quy trình.
Song song đó, Sacombank còn tổ chức các sự kiện cộng đồng đầy ý nghĩa như: Giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”; Ggiải chạy “Những bước chân vì cộng đồng”; chương trình thiện nguyện "Ấm tình mùa Xuân"; chương trình học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học “Ươm mầm cho những ước mơ”; chương trình hiến máu nhân đạo “Sacombank - chia sẻ từ trái tim”…
Những chương tình này không chỉ góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần mà còn tạo cho nhân sự cảm giác sống có ích, có giá trị với cộng đồng. Theo một khảo sát hạnh phúc gần đây được Sacombank triển khai trên 14.396 nhân sự, tỷ lệ hạnh phúc của cán bộ nhân viên tại ngân hàng này là 84%.
Nhờ bám sát những giá trị then chốt với phương châm nhất quán
"bền vững từ gốc" Sacombank đã có 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” bởi HR Asia - Tạp chí nhân sự uy tín hàng đầu châu Á. Trong đó, giải thưởng năm 2023 tôn vinh “sự đa dạng, công bằng và hòa nhập,” phù hợp hoàn toàn với định hướng phát triển nhân sự mà Sacombank kiên trì theo đuổi, góp phần vun đắp cho mảnh ghép nhân sự thêm lớn mạnh, đóng góp một mảng màu rực rỡ vào bức tranh mang tên “Bền nội lực, vững tương lai”./.