Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo': Truyền tải thông điệp tình yêu là sự cứu rỗi
Vở nhạc kịch được sản xuất theo chuẩn quốc tế nhưng chứa đựng các giá trị của văn chương nước nhà, làm thỏa mãn khao khát của người Việt về giấc mơ nhạc kịch “made in Vietnam.”
Chuyện tình Chí Phèo-Thị Nở và triết lý nhân sinh trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao sẽ được chuyển tải đến khán giả một cách mới lạ thông qua ngôn ngữ nhạc kịch.
Theo đó, vở nhạc kịch thuần Việt mang tên “Giấc mơ Chí Phèo” sẽ được công diễn vào 20h ngày 23/12 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Đây là tác phẩm tâm huyết của những gương mặt nổi tiếng trong giới văn nghệ: Nhạc sỹ-nhà sản xuất Dương Cầm, biên kịch Đinh Tiến Dũng, đạo diễn-Nghệ sỹ Ưu tú Phùng Tiến Minh và chỉ đạo nghệ thuật-Nghệ sỹ Nhân dân Tấn Minh (Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long).
Trong 90 phút, vở nhạc kịch kể về cuộc đấu tranh khốc liệt của Chí Phèo với tấn bi kịch số phận. Chí Phèo có xuất thân và diện mạo bám sát với nguyên tác văn học, tuy nhiên “Giấc mơ Chí Phèo” không nặng nề về tâm lý và không đi sâu vào mô tả hiện thực đời sống của tầng lớp con người trong xã hội phong kiến, mà hướng tới yếu tố lãng mạn trong câu chuyện lứa đôi của Chí Phèo và Thị Nở.
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 2/12, nhạc sỹ Dương Cầm cho hay “Giấc mơ Chí Phèo” là vở nhạc kịch mang đậm màu sắc Broadway nhưng được cảm tác từ tác phẩm văn học nước nhà, làm thỏa mãn khao khát của người Việt về giấc mơ nhạc kịch “made in Vietnam.”
Nhạc sỹ Dương Cầm muốn tái hiện một tinh thần văn học qua góc nhìn nhân văn; thông qua âm nhạc để thể hiện một Chí Phèo “bình thường và thiện lương”; tôn vinh giá trị của tình yêu chân thành của con người dù có bị vùi dập bởi số phận. Vì trong mọi hoàn cảnh, tình yêu luôn là sự cứu rỗi: “Ai cũng muốn mình là người bình thường, ai cũng muốn mình được yêu thương!”
Theo nhạc sỹ Dương Cầm, giữa rất nhiều “món ăn” nghệ thuật và giải trí, nhạc kịch đang là xu hướng thưởng thức của khán giả.
“Ngoài yếu tố ‘chuẩn Broadway’ thì đó là văn hoá, là sản phẩm nghệ thuật, là bản sắc của con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng người Việt ăn đồ ăn Việt là ngon nhất,” Dương Cầm chia sẻ.
Chia sẻ về kịch bản, tác giả Đinh Tiến Dũng bày tỏ: “Chuyển soạn một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao có rất nhiều sự thuận lợi bởi tính cách nhân vật và cốt truyện đã rất rõ ràng. Câu chuyện của Chí Phèo tôn vinh tình yêu và giá trị nhân bản của con người. Nhờ có tình yêu mà một con quỷ cũng trở thành con người, nhờ tình yêu mà một cô gái ngớ ngẩn cũng có thể trở thành một con người. Thông điệp ‘Chúng ta muốn làm người bình thường’ được nhắc lại nhiều lần bởi thực ra đôi khi làm người bình thường đã là một điều rất khó đối với nhiều người.”
Hai diễn viên chính trong vở diễn đều là gương mặt trẻ: Đông Hùng trong vai Chí Phèo, Hoàng Thái Phương - con gái của nghệ sỹ Thanh Thanh Hiền trong vai Thị Nở./.