Nhà thầu Cao tốc Bắc-Nam gặp khó trong cấp phép mỏ vật liệu
Để người dân đồng ý giao đất khai thác mỏ, nhiều nhà thầu Dự án Cao tốc Bắc-Nam phải chấp nhận mức giá bồi thường hoa màu, cây cối trên đất cao gấp nhiều lần so với giá dự toán.
Các dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc về nguồn vật liệu thi công khi số lượng mỏ được cấp phép chưa đủ; mức giá đền bù giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu chênh lệch quá lớn so với dự toán.
Chủ đất hét giá “trên trời”
Thi công tại Dự án Cao tốc đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, thời gian qua, nhà thầu Đồng Khánh phải chấp nhận chi trả một khoản chi phí phát sinh lớn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu.
Cụ thể, tại mỏ Núi Thị 1 và Núi Thị 2, theo dự toán, khung giá bồi thường từ 390-440 triệu đồng/ha. Tuy vậy, để người dân đồng ý giao đất khai thác mỏ, nhà thầu Đồng Khánh phải chấp nhận mức giá bồi thường hoa màu, cây cối trên đất với số tiền dao động gấp 1,5-2 lần, tương đương con số từ 550-900 triệu đồng/ha.
Tương tự, nhà thầu Davinco đang gấp rút hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ Truông Ổi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nhưng đến nay vẫn vướng về mức giá đền bù với người dân.
Theo đó, mỏ Truông Ổi có tổng diện tích 23ha thì đến nay có 7ha do người dân canh tác được thống nhất với giá bồi thường khoảng 500 triệu đồng/ha. Với 16ha còn lại nằm ở khu vực đầu mỏ, chủ đất “hét giá" lên đến 1,3 tỷ đồng/ha, cao gần gấp 3 lần so với giá dự toán (440 triệu đồng/ha).
“Nếu chấp nhận với mức giá người dân đưa ra, chỉ tính riêng giai đoạn đầu thi công dự án, nhà thầu đã lỗ trên dưới 10 tỷ đồng so với giá dự toán,” đại diện nhà thầu Dacinco lắc đầu ngao ngán.
Là nhà thầu tham gia thi công Dự án Cao tốc Bãi Vọt-Hàm Nghi, ông Trần Đình Ngân, Chỉ huy trưởng Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cho biết các mỏ đất được cấp cho doanh nghiệp đã được khai thác. Tuy nhiên, do tự thỏa thuận đền bù với người dân nên giá cao so với quy định.
Do đó, Tổng công ty 319 đã có kiến nghị tính đúng giá đền bù với người dân đưa vào dự toán công trình để nhà thầu không thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành Dự án Cao tốc Hàm Nghi-Vũng Áng dài 54,2km (Ban Quản lý dự án Thăng Long), hai gói thầu xây lắp đoạn tuyến này hiện còn chậm so với kế hoạch đã đề ra.
Bổ sung thêm, ông Đàm Đức Ngọc (Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường), Chỉ huy công trường Gói thầu 12 XL, Dự án thành phần Hàm Nghi-Vũng Áng cho biết trên tuyến nguồn đất đắp đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên nguồn cát lấy từ mỏ cát xã Kỳ Lạc vẫn chưa thông nên nhà thầu phải mua ngoài.
“Giá mua cát tại các mỏ thương mại đang khai thác, bãi tập kết có giá chênh lệch so với bảng niêm yết báo giá của tỉnh Hà Tĩnh,” ông Ngọc nói.
Đảm nhận thi công đoạn tuyến Km50+465-Km57+460 và đoạn Km62+390-Km64+220 thuộc Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đã xin cấp phép hai mỏ đất là mỏ TDTS23 (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định) và mỏ Chà Rây (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Đến nay, theo đại diện nhà thầu, mỏ TDTS23 đã được cấp giấy phép song việc khai thác vẫn chưa thể tiến hành do vướng thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế.
“Tỉnh Bình Định đã hết diện tích trồng rừng. Để công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu hoàn thành, yêu cầu hiện nay là địa phương có diện tích rừng chuyển đổi phải tìm và thống nhất với một địa phương khác trồng rừng thay thế mới đáp ứng điều kiện thực hiện các thủ tục tiếp theo. Việc này mất rất nhiều thời gian," đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc nói.
Đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù khai thác mỏ vật liệu
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đường bộ cao tốc quan trọng Quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại các Nghị quyết được Quốc hội, Chính phủ ban hành, trong đó cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu. Điều này đã rút ngắn được thời gian cấp mỏ cho các dự án được khoảng 8 -10 tháng so với tổng thời gian từ 10-12 tháng nếu thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.
Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận để khai thác được vật liệu, nhà thầu còn phải thực hiện công tác thỏa thuận giá bồi thường với chủ sở hữu. Một số mỏ đang rất khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường do chủ sở hữu yêu cầu mức giá cao.
“Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường để khai thác mỏ vật liệu phục vụ dự án. Về dài hạn, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế theo hướng đưa mỏ vật liệu phục vụ dự án vào diện nhà nước thu hồi đất, phân cấp chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và rút ngắn các thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông," ông Vân kiến nghị.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương từ Hà Tĩnh-Khánh Hòa để đẩy nhanh tiến độ xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn tất các thủ tục về đất đai để khai thác vật liệu.
Khẳng định Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã chủ động phối hợp, làm việc với các cơ quan liên quan. Tuy nhiên để gia hạn Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có tờ trình chính thức để Quốc hội thông qua./.