Nhà phát hành Việt đưa nhiều phim giật gân, kinh dị tới Liên hoan phim Cannes
Hội chợ Marche du Film của Liên hoan Phim Cannes năm 2024 sẽ có sự xuất hiện của 7 phim giật gân, kinh dị từ Việt Nam, trong đó có phim "Kẻ ăn hồn," phim của Vũ Ngọc Đãng, Huỳnh Lập...
Hội chợ Marché du Film của Liên hoan Phim Cannes năm 2024 sẽ có sự xuất hiện của 7 tựa phim giật gân, kinh dị từ Việt Nam.
Các tác phẩm gồm: “Linh miêu” (đạo diễn Lưu Thành Luân), “Cô dâu hào môn” (Vũ Ngọc Đãng), “Nhà gia tiên” (Huỳnh Lập), "Đèn âm hồn" (Hoàng Nam), “Án mạng lầu 4” (Nguyễn Hữu Tuấn), “Con cám” và “Kẻ ăn hồn” (Trần Hữu Tấn).
Trong số này, “Linh miêu” là phim thứ hai của Lưu Thành Luân, người đã thành công rực rỡ với “Quỷ cẩu” cuối năm 2023, đầu 2024 (thu 108,5 tỷ đồng).
“Kẻ ăn hồn” gây chú ý trong nước, được các trang báo quốc tế nhắc đến như một hiện tượng phim kinh dị tại Việt Nam (thu khoảng 80 tỷ đồng trong và ngoài nước). “Con cám” là dự án tiếp theo từ bộ đôi nhà sản xuất-đạo diễn của “Kẻ ăn hồn,” được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành tích của phim trước.
2 phim "Con cám" và "Linh miêu" đã được bán cho thị trường Lào và Campuchia, riêng "Con cám" sẽ xuất hiện thêm ở Đài Loan (Trung Quốc).
Giống 3 phim trên, "Nhà gia tiên" và "Đèn âm hồn" cũng sẽ khai thác yếu tố tâm linh, quỷ dị trong đời sống dân gian người Việt xưa và nay.
Bên cạnh đó có phim mang hơi thở hiện đại gồm “Cô dâu hào môn” của Vũ Ngọc Đãng, xoay quanh thân phận người phụ nữ trong xã hội, có Huỳnh Uyển Ân, em gái Trấn Thành trong vai chính; và phim“Án mạng lầu 4” mượn kịch bản phim Israel - “Melbourne” - với sự góp mặt của nữ ca sỹ nổi tiếng một thời Lương Bích Hữu.
Đơn vị phân phối và quảng bá các phim này là Công ty Skyline Media của Việt Nam. Giám đốc Hằng Trịnh chia sẻ mục đích chính của hãng là tiếp cận dòng khán giả chủ lực ở mỗi thị trường, thay vì chỉ tiếp cận được cộng đồng kiều bào Việt ở nước ngoài.
Các khu vực được hướng đến gồm Mỹ Latinh, khối các nước CIS (Belarus, Ukraine, Azerbaijan…) và châu Á.
Ngoài 6 phim Việt Nam, Skyline Media còn là nhà phân phối bản quyền cho một phim Campuchia, cũng khai thác yếu tố dân gian bản địa, tên "The Night Curse of Reatrei" (tạm dịch: Lời nguyền đêm của Reatrei). Đây hiện là phim nói tiếng Khmer có doanh số cao nhất xứ sở chùa tháp.
Marche du Film ra đời từ năm 1959, khoảng 13 năm sau khi Liên hoan Phim Cannes được thành lập. Đây là hội chợ phim thuộc “top 1” thế giới, thu hút hàng ngàn đến chục ngàn người có chuyên môn trong ngành điện ảnh góp mặt thường niên.
Năm nay Marche du Film kéo dài từ 14-23/5 (Liên hoan Phim diễn ra từ 14/5-23/5). Dự kiến sẽ có khoảng 14.000 đến 15.000 đại diện từ khắp nơi trên thế giới. Hội chợ là cơ hội quảng bá lý tưởng, giúp các nhà sản xuất, phát hành và phân phối tìm kiếm các thị trường phù hợp để bán phim, mua phim./.