Nhà hát Nhạc Vũ Kịch: Tiếp thu tinh hoa văn hóa, sáng tạo nghệ thuật hàn lâm

Theo Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát ngày càng khẳng định vị trí cánh chim đầu đàn trong nghệ thuật hàn lâm, khi nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới ra mắt khán giả nước và ngoài nước.

Ngày 26/12, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát (1959-2024).

Sự kiện nhằm tri ân các thế hệ nghệ sỹ, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, nghệ sỹ, viên chức và người lao động nỗ lực cống hiến hết mình để gìn giữ và phát triển nghệ thuật hàn lâm, kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Qua đó góp phần nâng cao tính thẩm mỹ trong đời sống văn hóa của nhân dân Việt Nam.

Theo Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Phan Mạnh Đức, Nhà hát là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng biểu diễn nghệ thuật nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet). Ngay từ khi thành lập, Nhà hát luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trực tiếp cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát Bài ca kết đoàn ngày 3/9/1960, tại Hà Nội.

Đến nay, Nhà hát đã đạt tới trình độ của các nước trong khu vực và châu lục, với 3 đoàn chuyên nghiệp gồm đoàn Nhạc kịch, đoàn Ca kịch và đoàn Vũ kịch. Nhà hát ngày càng khẳng định vị trí cánh chim đầu đàn trong nghệ thuật hàn lâm, khi nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới được ra mắt khán giả trong nước và quốc tế như vở Ballet "Hồ Thiên Nga," "Romeo và Juliet," "Kẹp hạt dẻ," "Chim lửa," "Hàm lệ minh châu," "Đông Hồ," ""…

Các tác phẩm Opera kinh điển của thế giới như "Trường học tình yêu," "Madame Butterfly," "Đêm Opera," "Người Hà Lan bay," "Carmen," "Maria in Buenos Aires," "Công nữ Anio"…

Một số tác phẩm Opera của Việt Nam như "Cô Sao," "Bên bờ sông Kroong Pa," "Người tạc tượng," "Lá đỏ," "Huyền diệu biển," "Bài ca tình yêu," "Khát vọng đỏ"… đến các chương trình nghệ thuật để lại tiếng vang lớn như "Rock Symphony," "Best of Tchaikovsky," "Đại hợp xướng Vì hòa bình," "Đêm huyền ảo"…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh trải qua 65 năm xây dựng trưởng thành, Nhà hát đã, đang triển khai thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc tiếp nhận, phát triển nghệ thuật giao hưởng hợp xướng, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) tinh hoa văn hóa thế giới và nghệ thuật nhạc vũ kịch Việt Nam.

Thời gian qua, Nhà hát liên tục phấn đấu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp cận với nền nghệ thuật hiện đại cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để sáng tạo được nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng và phát triển văn học nghệ thuật của Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Nhà hát tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, đoàn kết, sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật để có được sự phát triển bền vững trong tương lại. Đồng thời, Ban lãnh đạo, các nghệ sỹ, nhân viên, người lao động của Nhà hát cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm để từ đó kịp thời tham mưu đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch những cơ chế phát triển lĩnh vực nghệ thuật này nói chung, chính sách tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất liên quan nói riêng để gìn giữ, phát triển nghệ thuật hàn lâm của Việt Nam trong tương lai.

“Nhà hát cần tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, hạn chế những khó khăn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nghệ sỹ có năng lực, trình độ chuyên môn cao để nâng cao quy mô, chất lượng sáng tác, dàn dựng và biểu diễn của Nhà hát ngày càng vững mạnh hơn trong tương lai. Tập trung xây dựng, đầu tư nhiều tác phẩm giao hưởng, vũ kịch, nhạc kịch Việt Nam và quốc tế, mang tính chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ chính trị, đối ngoại và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh./.