'Nhà giáo mong có chính sách để thầy cô sống được bằng lương'
"Nhà giáo mong chờ trước hết là, khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao, Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo thầy cô có thể hoàn toàn sống bằng lương," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã cận kề, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với báo chí về tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo.
“Tôi hiểu nhà giáo còn nhiều mong đợi”
- Thưa Bộ trưởng, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã cận kề. Cả nước hiện có trên 1,6 triệu nhà giáo ngày ngày nỗ lực cống hiến trên bục giảng. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng nắm bắt như thế nào về tâm tư, nguyện vọng, những mong đợi của các thầy, cô?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Với số lượng trên 1,6 triệu người đang làm việc trong cả khối công và tư, việc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tôi hiểu nhà giáo còn nhiều mong đợi để công việc tốt hơn.
Nhà giáo mong chờ trước hết là, khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao, Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo thầy cô có thể hoàn toàn sống bằng lương, đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ. Bên cạnh đó là có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhà giáo cũng mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hoá, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn; có phòng học bộ môn, trang thiết bị phục vụ dạy học. Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới.
Có như vậy, công cuộc đổi mới sẽ hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn. Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để đảm bảo các điều kiện tốt.
Các nhà giáo cũng rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận những đóng góp và có sự động viên tinh thần; mong phía xã hội, phụ huynh chia sẻ, thấu hiểu nhiều hơn về công cuộc đổi mới đầy thử thách và chưa có tiền lệ mà ngành giáo dục và từng giáo viên đang phải làm, và vì thế những vướng mắc, phát sinh là khó tránh. Những phán xét từ phía xã hội đôi khi cũng chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo. Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, còn là hỗ trợ và chung tay.
Nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ chính nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần từ phía xã hội. Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả.
- Như Bộ trưởng chia sẻ, nhà giáo đang phải làm những nhiệm vụ mới và khó, chưa từng có tiền lệ. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng đội ngũ hiện nay để có thể đáp ứng được các yêu cầu đó?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể nói chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học, giáo dục thường xuyên; kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý, dù vẫn thiếu so với nhu cầu.
Nhà giáo hiện nay cũng được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước về trình độ chuyên môn nghiệp vụ với các phương pháp sư phạm mới. Giảng viên đại học có tỷ lệ được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ tiến sỹ tăng đáng kể.
Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo một mặt là áp lực nhưng về tổng thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.
Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người, vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức, thích nghi với các yêu cầu mới để chăm lo cho các thế hệ học trò. Sức sáng tạo và đổi mới của nhà giáo là điều tôi rất ấn tượng và tự hào.
Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Phải đảm bảo thầy cô có thể sống được bằng nghề
- Còn vậy xây dựng đội ngũ nhà giáo kế cận, làm thế nào để có thể thu hút người giỏi vào ngành sư phạm khi giáo viên còn nhiều tâm tư như vậy, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.
Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có nhưng ít phải đảm bảo thầy cô có thể sống được bằng nghề.
Thứ hai, cần có chính sách thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ chi phí. Thứ ba là phải để những người trẻ đam mê với ngành thấy nghề giáo thực sự là một công việc vinh quang, cao quý, nơi người giỏi được khẳng định mình và được ghi nhận.
Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ, để nhà giáo được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ.
Với giáo dục đại học, cần phải có cơ chế cho phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cơ chế trong sở hữu trí tuệ để thương mại hoá phục vụ cho sản xuất, kích thích đổi mới sáng tạo của từng cá nhân, từng nhà trường, thu hút nhân tài cho giáo dục đại học.
Khi tham gia hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… thì sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ.
Nghề giáo vẫn là nghề cao quý
- Một số ý kiến cho rằng cùng với sự thay đổi của xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ, khi người thầy không còn là kho tri thức duy nhất thì vị trí, vai trò của người thầy cũng dần thay đổi, thêm vào đó là những vụ việc như lạm thu, ép học sinh học thêm…vẫn tái diễn gây bức xúc. Theo Bộ trưởng, làm thế nào để nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội có những điều chỉnh của hệ giá trị, hoặc trong sự phát triển của giáo dục cũng có một bộ phận, có những người, có những việc khiến cho xã hội thấy chưa hài lòng và đương nhiên có những tổn hại đến tôn nghiêm của lực lượng nhà giáo.
Tuy nhiên, đó chỉ có tính chất bộ phận. Với truyền thống hiếu học, với văn hoá Việt Nam, nghề nhà giáo vẫn là một nghề cao quý, tôn nghiêm. Vấn đề hiện nay là làm thế nào củng cố sự cao quý, tôn nghiêm đó.
Tôi vẫn nhắc lại rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bao giờ nhà giáo cũng coi đó là trách nhiệm của chính mình, bằng sự mẫu mực đạo đức, nhân cách, bằng tinh thần khoa học, tinh thần giáo dục để tự mình thuyết phục xã hội nhiều hơn.
Bên cạnh sự cố gắng của bản thân, các nhà giáo cũng cần cả sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía xã hội. Giá trị đạo đức nhà giáo là một bộ phận của toàn bộ đạo đức xã hội. Không chỉ quan hệ phụ huynh với nhà giáo hay học sinh với nhà giáo mà cần cả những điều chỉnh trong xây dựng giá trị đạo đức xã hội, những chuẩn mực. Khi đó, vị thế của nhà giáo sẽ được cải thiện.
- Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã cận kề, Bộ trưởng có nhắn gửi tâm tư gì đến hơn 1,6 triệu nhà giáo của ngành giáo dục trên khắp cả nước?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo vốn là công việc cao quý, khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng.
Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao, tôi mong toàn thể nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.
Chúc tất cả các nhà giáo có một dịp 20/11 thật vui, hạnh phúc, tăng thêm yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình.
Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.
Người thầy cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi thầy cô sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.