Nhà báo Tạ Bích Loan: 'Tôi từng là nạn nhân bị tấn công trên mạng'
Nhà báo Tạ Bích Loan cùng các phóng viên làm phóng sự điều tra đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong Tọa đàm "Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tác nghiệp báo chí."
Trong quá trình hoạt động báo chí, nhà báo Tạ Bích Loan, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam từng là nạn nhân của những cuộc công kích trên mạng xã hội. Chị đã bị những người không quen biết bôi nhọ, vu khống, chỉ trích đến mức trầm cảm.
Đó là những lời tâm sự của chị trong tọa đàm "Bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tác nghiệp báo chí hiện nay" diễn ra ngày 31/8, do Ban Chấp hành Đoàn Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên các đơn vị: Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Tạ Bích Loan trích dẫn một câu nói rằng “nhiệm vụ của báo chí là phơi bày sự thật mà ai đó muốn che giấu.” Do đó, việc phóng viên bị cản trở là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Hơn nữa, các cuộc tấn công trên mạng cũng nguy hiểm không kém việc hành hung phóng viên tại hiện trường.
Chị cho rằng an ninh mạng còn nhiều lỗ hổng bởi đây được xem là không gian ảo, danh tính người dùng ảo, tính chịu trách nhiệm không cao, nhiều nội dung “nay đăng, mai gỡ” nên các vụ tấn công mạng thường khó giải quyết.
Do vậy, nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng phóng viên luôn phải đảm bảo an ninh, an toàn, tuân thủ nguyên tắc tác nghiệp để tự bảo vệ mình, ngoài ra có thể áp dụng các biện pháp công khai như nhờ cậy lực lượng an ninh.
Phóng viên Trường Sơn từ Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) nhất trí với quan điểm này. Nhiều lần anh đã thoát khỏi hoàn cảnh hiểm nguy nhờ có lực lượng an ninh hỗ trợ.
“Trước khi lên đường tác nghiệp tại một địa bàn nào đó, tôi có trình bày với lực lượng an ninh và lưu số điện thoại khẩn cấp là số của lãnh đạo cơ quan hoặc một chiến sỹ nào đó để khi cần có thể liên lạc với họ nhanh nhất có thể,” anh chia sẻ.
Phóng viên Trường Sơn cũng là người “thạo” công nghệ và biết tận dụng ưu điểm của các thiết bị hiện đại. Trong một lần làm phóng sự về nạn phá rừng, anh đã lường trước khó khăn và mang đi hai máy quay cùng nhiều thẻ nhớ để phòng khi bị thu thiết bị thì vẫn còn phương án dự phòng.
“Hiện nay, công nghệ cho phép chúng tôi chia nhỏ đoạn video thành các file có độ dài chỉ khoảng 5 phút, sau đó tự động sao lưu các file đó lên dữ liệu đám mây (iCloud) hoặc Google Drive. Chúng tôi đã từng bị tịch thu phương tiện tác nghiệp và bị xóa dữ liệu trong máy, song nhờ tính năng sao lưu này mà những thước phim quý giá vẫn an toàn,” anh chia sẻ.
[Hòa Bình: Xác minh, làm rõ sự việc nhóm người hành hung phóng viên]
Chia sẻ ý kiến của mình, ông Phạm Cường, Bí thư Đoàn Thanh niên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng các nhà báo, phóng viên điều tra đang đối mặt với nhiều hình thức gây khó khăn, chẳng hạn như bị hành hung tại hiện trường, bị thu giữ phương tiện tác nghiệp, bị đe dọa bằng tin nhắn, điện thoại... Tuy nhiên, để mang tới khán giả, độc giả những góc nhìn khách quan, chân thực nhất về sự việc, các nhà báo, phóng viên đã không ngại hiểm nguy, xông pha vào hiện trường tác nghiệp.
Ông Cường cũng bày tỏ băn khoăn về giới hạn của việc điều tra tác nghiệp có thể mở rộng đến đâu để không vi phạm quyền riêng tư; và hành vi gây khó dễ đối với nhà báo có thể xem là hành vi cố ý gây thương tích hay chống người thi hành công vụ trong những trường hợp cụ thể nào...
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phùng Văn Hiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương cho hay đây là dịp để các nhà báo, phóng viên của các cơ quan, đơn vị có thể lắng nghe những kinh nghiệm từ những nhà báo giàu kinh nghiệm.
Thực tế là các nhà báo, phóng viên, đặc biệt là các phóng viên điều tra đang phải đối mặt với rất nhiều tình huống nguy hiểm trong và sau khi tác nghiệp ngoài hiện trường. Tuy nhiên, để mang tới khán giả, độc giả những góc nhìn khách quan, chân thực nhất về sự việc, những cây bút, tay máy vẫn không ngại hiểm nguy, xông pha vào những “điểm nóng” trong xã hội.
“Chúng tôi mong rằng sau buổi tọa đàm, các nhà báo, phóng viên của các cơ quan, đơn vị có thể thu nhận được những chia sẻ quý báu để bảo đảm an toàn trong quá trình tác nghiệp báo chí. Qua đây, liên chi hội nhà báo các đơn vị cũng có thể đề xuất thêm cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà báo,” ông Hiệp nói./.