Nguy cơ gián đoạn nguồn cung đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong nhiều tháng
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với dầu Nga có thể gây gián đoạn đáng kể đến nguồn cung và phân phối dầu của nước này.
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên 15/1 do sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga.
Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn chốt phiên tăng 2,11 USD (tương đương 2,64%) lên 82,03 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 2,54 USD (3,28%), lên 80,04 USD/thùng. Đây là mức cao nhất của hai loại dầu này lần lượt kể từ tháng 8/2024 và tháng 7/2024.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022 trong tuần trước, do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, lượng xăng và sản phẩm chưng cất dự trữ lại tăng cao hơn dự kiến.
Trong khi đó, báo cáo thị trường dầu hàng tháng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với dầu Nga có thể gây gián đoạn đáng kể đến nguồn cung và phân phối dầu của nước này.
Ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư Saxo Bank, nhận định rằng những lo ngại về lệnh trừng phạt dường như đang hỗ trợ giá. Các tàu chở dầu thô của Nga dường như đang gặp khó khăn trong việc dỡ hàng trên khắp thế giới, gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.
Mặc dù vậy, đà tăng đã bị hạn chế bởi thông tin Israel và lực lượng Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Ngoài ra, chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - giảm xuống sau báo cáo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 12/2024. Điều này làm tăng thêm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
Đồng USD yếu hơn thường hỗ trợ giá dầu, còn lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ nhu cầu năng lượng./.