Người nông dân đưa hương vị nước mắm quê hương đến với bạn bè quốc tế

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên cùng mùi nước mắm làng Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú đã quyết tâm mang sức trẻ, kiến thức của mình để góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống của làng.

Anh Bùi Thanh Phú kiểm tra nước mắm Hương Làng Cổ Nam Ô. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Trong danh sách 100 nông dân được bình chọn và tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” của Hội Nông dân Việt Nam, có một người vừa là nông dân, vừa là thầy giáo, Thạc sỹ ngành công nghệ thông tin.

Đó là anh Bùi Thanh Phú, người con tâm huyết phát triển nghề làm nước mắm thủ công truyền thống tại làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Phát triển nghề làm mắm truyền thống

Chúng tôi đi theo mùi mắm cá thơm nồng đến ngôi nhà và cũng là xưởng sản xuất của gia đình anh Bùi Thanh Phú.

Giữa sân nhà, hàng chục lu sành ủ mắm được xếp thành hàng ngăn nắp, cạnh đó là các thùng nước mắm đang được lọc qua phễu tre, bức tường phía trên có dòng chữ lớn “Quê hương là mùi nước mắm.”

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên cùng mùi nước mắm làng Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú (sinh năm 1984) đã quyết tâm mang sức trẻ, kiến thức của mình để góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống của làng.

Là thạc sỹ chuyên ngành công nghệ thông tin, là thầy giáo Trường Trung học Phổ thông Phạm Phú Thứ, nhưng anh Bùi Thanh Phú vẫn cần mẫn học nghề làm mắm gia truyền từ cha mẹ và ấp ủ kế hoạch mở rộng phát triển.

Sau nhiều năm tự tay trộn cá, ủ mắm và nhuần nhuyễn các kỹ thuật gia truyền, đến năm 2016, anh thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Mắm Hồng Hương.

[Phát triển thương hiệu nước mắm Nam Ô gắn với du lịch cộng đồng]

Từ đó, anh Phú bắt đầu đưa ra thị trường thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ Nam Ô, với mục tiêu ứng dụng các kiến thức công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật được học để vực dậy nghề nước mắm đang có nguy cơ thất truyền.

Nhằm giữ được hương vị đặc trưng của nước mắm Nam Ô, cơ sở sản xuất của anh Phú vẫn trung thành với công thức ủ mắm cổ truyền của làng. Đó là trộn cá Cơm than đánh bắt ở vùng biển Nam Ô (Đà Nẵng) với muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Mắm được trộn theo tỷ lệ 3 cá, 1 muối, rồi ủ trong lu sành từ 12-18 tháng mới mang ra lọc, nước mắm thành phẩm có hương vị thơm nồng, màu nâu cánh gián rất đặc trưng.

Ngoài ra, anh Phú chủ động tìm tòi, nghiên cứu nhằm kết hợp các máy móc hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động như máy chiết rót, máy đóng nắp, máy dán nhãn chai...

Anh Bùi Thanh Phú giới thiệu sản phẩm nước mắm cổ truyền làng Nam Ô tại Hội chợ với khách tham quan. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Nhận thấy việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống rất quan trọng, anh Bùi Thanh Phú đã tự lập website, lập trang fanpage trên các mạng xã hội để quảng bá thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ.

Đồng thời, anh còn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá trong các hội chợ, bày bán trong các siêu thị để đưa sản phẩm tới tay khách hàng trên cả nước...

Với những nỗ lực đó, đến nay cơ sở sản xuất của anh Bùi Thành Phú đã mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công việc ổn định cho 10 lao động địa phương, mở rộng diện tích sản xuất lên 1.000m2.

Anh đang tiếp tục mở rộng, phối hợp sản xuất với các hộ làm nước mắm truyền thống khác trong làng Nam Ô để góp phần phát triển nghề làm mắm truyền thống trong làng.

Đưa hương vị quê hương đến bạn bè quốc tế

Anh Bùi Thanh Phú chia sẻ: “Nghề làm mắm ở làng Nam Ô đã có từ rất lâu đời, kỹ thuật được lưu giữ dưới hình thức cha truyền con nối, trước đây dân làng ủ mắm chủ yếu để ăn và buôn bán trong khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng. Vì vậy, tôi luôn mong muốn và cố gắng giới thiệu hương vị của quê hương đến được với đông đảo bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.”

Từ khi dây chuyền sản xuất và kinh doanh nước mắm của anh Bùi Thanh Phú hoạt động hiệu quả, nhiều tập thể, cá nhân tổ chức đưa các đoàn từ các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đến học hỏi kinh nghiệm.

Hằng năm, nhiều trường đại học trong nước và quốc tế đã tổ chức các đoàn sinh viên đến thực tế, trải nghiệm nghề làm mắm truyền thống tại mô hình như: Trường Đại học Republic Polytechnic Singapore, Đại học Sư phạm Đà Nẵng...

Anh Bùi Thanh Phú phối hợp với các công ty lữ hành để tổ chức các tour du lịch cộng đồng, khám phá làng nghề nước mắm Nam Ô cho du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần giới thiệu văn hóa cổ truyền của người Đà Nẵng đến với du khách và giới thiệu sản phẩm nước mắm truyền thống đến với người dùng.

Rất nhiều du khách Âu-Mỹ đã tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm lọc mắm, nếm thử các món ăn chấm nước mắm đậm đà bản sắc Việt Nam.

Các phương pháp giúp nâng cao năng suất lao động, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống của anh Bùi Thanh Phú đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đánh giá cao.

Thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao, được vinh danh sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố, sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Nẵng...

Trước khi vinh dự được bình chọn là một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023,” anh Bùi Thanh Phú đã hai lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng nhiều danh hiệu khen thưởng của các cấp thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Kim Dũng, anh Bùi Thanh Phú là một trong những nông dân nổi bật, gương mẫu, không ngừng nỗ lực cải thiện kinh tế, hỗ trợ nhiều người vươn lên thoát nghèo, góp phần lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trong các năm qua, thành phố Đà Nẵng liên tiếp có nhiều cá nhân nông dân được vinh danh, đây là điểm sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo đi đầu trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.../.

Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)