Người dân Mỹ gồng mình vì nợ sau “cơn sốt mua sắm” tránh thuế quan
Nhiều người dân Mỹ đã đổ xô mua xe, đồ điện tử và nội thất để tránh nguy cơ giá cả leo thang do thuế quan, song “cơn sốt” mua sắm này khiến nhiều gia đình Mỹ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Mùa Xuân vừa qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhiều người dân Mỹ đã đổ xô mua xe, đồ điện tử và nội thất để tránh nguy cơ giá cả leo thang vì thuế quan. Tuy nhiên, “cơn sốt” mua sắm này khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất - một rủi ro lớn đối với tiêu dùng hộ gia đình, vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh trong tháng 3/2025, khi người tiêu dùng đẩy mạnh mua ôtô, trước khi các loại thuế áp lên xe nhập khẩu và linh kiện bắt đầu có hiệu lực trong tháng 4 và 5/2025. Tuy nhiên, theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số này đã giảm trở lại, sụt 0,9% trong tháng 5/2025 - mức giảm theo tháng mạnh nhất trong hai năm qua.
Trong khi đó, theo số liệu từ chi nhánh của Cục Dự trữ liên bang Mỹ tại New York, tổng nợ hộ gia đình Mỹ đã lên tới 18.200 tỷ USD trong quý 1/2025 - mức cao kỷ lục kể từ năm 2004. Tình trạng nợ quá hạn cũng ngày càng gia tăng.
Với nhiều gia đình, việc chi tiêu dồn dập vào mùa xuân vừa qua là một “canh bạc” trước sự bất ổn - một quyết định có thể khiến họ phải chi tiêu tằn tiện trong nhiều năm tới. Nhiều người Mỹ nay phải gánh thêm khoản nợ mới có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Theo các nhà kinh tế, chi tiêu “không thiết yếu” - như đi ăn ngoài hay du lịch - thường là khoản đầu tiên bị cắt giảm khi ngân sách eo hẹp.
Một khảo sát của Bankrate cho thấy 54% người trưởng thành tại Mỹ dự định chi ít hơn cho du lịch, ăn uống và giải trí trong năm nay, tăng so với mức 49% của năm ngoái. Trong tháng 5/2025, chi tiêu tại nhà hàng và quán bar đã giảm 0,9% - mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 2/2023.
Một khảo sát của CreditKarma hồi tháng 3/2025 với hơn 2.000 người trưởng thành tại Mỹ cho thấy 51% số đó đã thay đổi hành vi chi tiêu vì lo ngại tác động từ thuế quan của ông Trump, trong đó 18% thừa nhận đã dồn tiền mua các mặt hàng giá trị lớn. Ngay cả những người đã nhanh tay mua sắm sớm để tránh thuế cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng dài hạn.
Các loại thuế của ông Trump được dự báo sẽ khiến giá cả tăng lên, ảnh hưởng đến thu nhập thực tế và sức mua của người dân - khiến họ càng dễ bị tổn thương về tài chính.
Không chỉ lo ngại về các tình huống khẩn cấp. Nếu ngày càng có nhiều người mất việc hoặc gặp khó khăn tài chính, tiêu dùng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn ở mức thấp 4,2% trong ba tháng liên tiếp, và các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng. Theo báo cáo từ Bộ Lao động công bố hôm 1/7, số vị trí tuyển dụng mới của nước này bất ngờ tăng lên 7,7 triệu trong tháng 5/2025. Tuy nhiên, đầu vào tuyển dụng đang giảm và cuộc chiến thương mại đầy bất ổn của ông Trump khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng các quyết định đầu tư.
Hiện tại, giới tài chính và các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát liệu chi tiêu hộ gia đình có giảm mạnh sau giai đoạn “chi trước, lo sau” hay không. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNN, ông Jay Bryson - chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Wells Fargo nói: “Khi các mức thuế mới có hiệu lực và giá cả bắt đầu tăng, đó sẽ là cú đánh trực diện vào thu nhập thực tế và sức mua của người dân, và vì vậy, chi tiêu tiêu dùng sẽ chậm lại. Đó cũng là hệ quả từ việc chi tiêu dồn dập quá sớm.”
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tiêu dùng lớn tại Mỹ, bao gồm Walmart - nhà bán lẻ số một của nước này - đã cảnh báo về khả năng tăng giá do tác động từ thuế.
Chuỗi cửa hàng Macy’s cho biết đang lựa chọn một số mặt hàng để điều chỉnh giá nhằm bù đắp chi phí thuế. Trong khi đó, hãng sản xuất trang phục và thiết bị thể thao Nike - sau khi quay lại bán hàng trên Amazon hồi đầu năm nay - cũng thông báo sẽ tăng giá nhiều dòng sản phẩm từ ngày 1/6.
Theo báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu The Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống còn 93 điểm trong tháng này, giảm 5,4 điểm so với mức 98,4 điểm hồi tháng 5/2025 - vốn là một đợt phục hồi ngắn ngủi. Như vậy, niềm tin của người Mỹ đối với nền kinh tế tiếp tục giảm trong tháng 6/2025, quay trở lại đà đi xuống từng đẩy chỉ số niềm tin tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch COVID-19 cách đây 5 năm.
Diễn biến này gây bất ngờ cho giới phân tích, những người trước đó dự đoán chỉ số sẽ tăng nhẹ trong tháng 6/2025. Trước đó, vào tháng 4/2025, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, chủ yếu do lo ngại về tác động từ chính sách áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump.
Chỉ số kỳ vọng - phản ánh quan điểm của người tiêu dùng về thu nhập, tình hình kinh doanh và thị trường việc làm trong ngắn hạn - giảm 4,6 điểm, còn 69 điểm. Đây là mức thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 80 điểm, vốn thường được xem là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 5/2025 đã giảm mạnh hơn dự đoán, sau khi làn sóng mua hàng nhằm tránh khả năng giá tăng do thuế quan đã lắng xuống.
Cơ quan Thống kê Dân số thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng trước đã giảm 0,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Một, sau khi giảm 0,1% trong tháng Tư theo số liệu đã điều chỉnh giảm.Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp, xóa đi phần lớn mức tăng đột biến do thuế quan vào tháng 3/2025. Mức giảm trên cũng mạnh hơn mức giảm dự báo 0,7% mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters./.